Lời dẫn Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn công trình “Những vấn đề phát triển lịch sử” của G.N.Poxpelov. Bản dịch cuốn sách được thực hiện bởi PGS Lê Lưu Oanh (Phần III, chương 1-2-3) và PGS Nguyễn Nghĩa Trọng (những phần còn lại). Dưới đây là mục lục cuốn sách
Dẫn luận: Những nhiệm vụ nghiên cứu văn học và vấn đề loại hình nội dung nghệ thuật
Phần một………………………………………………………………………………………..
I. Cảm hứng của tác phẩm văn học và tính chân thực lịch sử của nó …………..
II. Các nguyên tắc phản ánh nghệ thuật đời sống …………………………………….
Phần hai…………………………………………………………………………………………
I. Các biến thể của cảm hứng. Tính anh hùng …………………………………………
II. Tính bi kịch …………………………………………………………………………………
III. Tính kịch …………………………………………………………………………………..
IV. Tính chất tình cảm ………………………………………………………………………
V. Tính lãng mạn trong mối quan hệ với vấn đề chủ nghĩa lãng mạn ……………
VI. Hài hước và châm biếm như những kiểu cảm hứng ……………………………..
Phần ba …………………………………………………………………………………………
I. Vấn đề các thể loại văn học. Những hình thức thể loại …………………………..
II. Các thể loại thần thoại “lịch sử – dân tộc” trong tự sự …………………………..
III. Các thể loại “mô tả đạo đức” trong tự sự…………………………………………..
IV. Các thể loại tiểu thuyết trong tự sự ………………………………………………….
V. Các thể loại trong kịch …………………………………………………………………..
VI. Các thể loại trong trữ tình ……………………………………………………………..
Kết luận: Các khuynh hướng văn học và các trào lưu tư tưởng – văn học …….
Cuốn sách sẽ được giới thiệu lần lượt từng phần trên blog này.
Bản dịch có thể còn nhiều sai sót.
Mong được góp ý kiến để hoàn thiện. Xin trân trọng cảm ơn.
Email: leluuoanh@yahoo.ca.
*
DẪN LUẬN
Những nhiệm vụ nghiên cứu văn học
và vấn đề loại hình nội dung nghệ thuật
Người ta thường gọi khoa học về văn học là lịch sử văn học. Tên gọi này phù hợp với chính nội dung cơ bản của ngành học được bắt nguồn từ bản chất đối tượng của nó – văn học nghệ thuật (sáng tạo ngôn từ) của các dân tộc trên thế giới. Văn học nghệ thuật của mỗi dân tộc tự phát triển một cách lịch sử, trong đó xuất hiện tất cả những cái mới và những tác phẩm mới mà với mỗi thời đại lịch sử lại có những đặc điểm riêng biệt.
Khoa học về văn học đòi hỏi nghiên cứu sự phát triển lịch sử của các nền văn học dân tộc. Dĩ nhiên nó được bắt đầu từ sự thu thập, ghi chép những sự kiện phát triển văn học dân tộc, từ sự tạo dựng biểu đồ thống kê sự kiện. Sau đó nó phải tiến hành nhiệm vụ phức tạp hơn – phân loại lịch sử các hiện tượng văn học nghệ thuật, phát hiện trong đó những đặc điểm, những biến thể có ở lịch sử văn học của dân tộc này hay dân tộc khác.
Việc phân chia văn học thành loại, thể (trong nghĩa chung và rộng nhất của những từ này) đòi hỏi tạo dựng, soạn thảo những khái niệm tổng quát phù hợp. Trong thành phần của khoa học về văn học, khoa học về lịch sử của nó từ lâu đã xuất hiện một bộ môn lý thuyết riêng mà từ thời Arixtốt thường gọi là “Thi pháp”. Đó không phải là một khoa học riêng biệt mà là một bộ phận của khoa học, tất yếu cần phải là thành phần giúp cho việc phân chia cơ bản khoa học về văn học – lịch sử văn học của các dân tộc khác nhau và các thời đại khác nhau của sự phát triển của chúng – và cần phải được tạo dựng vì lợi ích của nó. Trong khi tạo nên những khái niệm bao quát của mình thi pháp không thể không tính đến ở trong đó những biến đổi lịch sử diễn ra trong văn học và chính nó hiện ra như “thi pháp lịch sử”.
Nhưng, giống như các khoa học khác, khoa học về văn học không thể tự hạn chế ở việc hoàn thành những nhiệm vụ phân loại và thống kê sự kiện. Nếu như những định kiến tư tưởng của chính các nhà khoa học cản trở điều đó thì nó vẫn không thể không hướng tới giải quyết những nhiệm vụ quan trọng và phức tạp hơn nhiều – làm sáng tỏ tính quy luật phát triển lịch sử của văn học các dân tộc khác nhau trên thế giới và thông qua đó mà giải thích sự phát triển ấy.
Giải thích những nhiệm vụ đó đòi hỏi những sự khái quát lý luận rộng lớn hơn nhiều. Văn học nghệ thuật tự phát triển một cách lịch sử, tất nhiên không phải vì nó, không phải từ nó, không mang tính nội tại. Là ý thức xã hội không trực tiếp, đặc thù của các dân tộc khác nhau, là lĩnh vực đặc thù văn học tinh thần của các dân tộc, văn học nghệ thuật biến đổi đồng thời với những đổi thay của đời sống dân tộc và gắn bó với chúng. Để hiểu những quan hệ ấy cần có lý luận phù hợp mang ý nghĩa phương pháp luận. Trước hết, việc giải quyết vấn đề về bản chất văn học nghệ thuật như là một loại hình nghệ thuật, về những đặc điểm riêng biệt của nó luôn luôn là cơ sở phương pháp luận của khoa học văn học. Phương pháp luận cần chỉ rõ mối quan hệ của phát triển văn học với phát triển lịch sử của xã hội dân tộc này hay dân tộc khác không phải là một sự ngẫu nhiên, bên ngoài, mà bắt nguồn từ chính bản thân văn học nghệ thuật.
Giải quyết những vấn đề thi tháp và phương pháp luận văn học đòi hỏi những công trình tư duy lý thuyết, thường rất trừu tượng. Cái mức độ trừu tượng ấy mới nhìn qua thật to lớn. Nó hướng tới việc xây dựng một hệ thống khái niệm tổng quát rất thiết yếu đối với việc tạo dựng lịch sử các nền văn học dân tộc những thời đại khác nhau mà thiếu nó thì bản thân lịch sử ấy không thể cấu tạo ở một trình độ khoa học cao nào đó. Thời gian gần đây thỉnh thoảng có thể nghe trong giới nghiên cứu, phê bình ý kiến cho rằng hình như việc nghiên cứu một hệ thống trừu tượng những khái niệm nghiên cứu văn học là không cần thiết, kinh viện, siêu hình. Ý kiến ấy có thể là kết quả của sự thay đổi nhanh chóng và sự phê phán gay gắt những lý thuyết phương pháp luận khác nhau trong ngành nghiên cứu văn học Xô Viết những năm 1920 – 1940. Nó làm cho người ta sợ hãi tranh luận những lý thuyết này khác. Nhưng sự xung đột những ý kiến đó là điều kiện tất yếu thúc đẩy khoa học tiến lên và không có sự nguy hiểm nào ở đó.
Là bộ phận cấu thành chung của những sự phân chia có tính lịch sử, được trang bị bởi những khái niệm nghiên cứu thi pháp và phương pháp luận, khoa học về văn học là một hệ thống nhận thức khoa học phức tạp và phân ngành. Để biểu thị hệ thống này trong sự thống nhất tất cả những sự phân chia có tính lịch sử và những nguyên lý lý luận của nó, khoảng mươi năm lại đây ở chúng ta đã xuất hiện từ “nghiên cứu văn học” vay mượn từ tiếng Đức (Literaturwissenschaft, tức là khoa học về văn học).
Nhưng chớ bao giờ nên quên rằng nghiên cứu văn học đó là khoa học xã hội – lịch sử, trong tất cả các bộ phận của mình nó cần phải xuyên thấm nguyên tắc chủ nghĩa lịch sử. Đang tồn tại và có thể tồn tại chỉ một khoa học về văn học – việc nghiên cứu văn học mang tính lịch sử từ lý luận của chính nó; nó có thể mang lại sự cống hiến to lớn vào văn hóa tinh thần tiến bộ toàn nhân loại.
2
Ý nghĩa của những vấn đề lịch sử chung của khoa học về văn học nhiều khi trượt khỏi sự chú ý của chính các nhà nghiên cứu văn học chuyên giải quyết những nhiệm vụ bổ trợ và riêng biệt. Sự chuyên môn hóa trong lĩnh vực tập hợp và miêu tả các sự kiện liên quan với lịch sử văn học nghệ thuật các dân tộc khác nhau góp phần to lớn nhất vào vấn đề đó.
Việc làm sáng tỏ các vấn đề chẳng hạn như việc các tác phẩm văn học nghệ thuật đã được sáng tác tại những thời điểm nào trong hoạt động sáng tạo của các tác giả của chúng vốn thường có những dị bản và hiệu đính khác nhau, hay việc các tác phẩm sau đó đã được in và sao chép rất nhiều đôi lúc thiếu cả tên tác giả, đã bị xuyên tạc từ phía những người chép lại và bởi sự hiệu đính xuất bản, bởi sự kiểm duyệt mà thường là thay đổi văn bản của chúng, hoặc như việc các tác phẩm đã được công chúng các dân tộc xa xôi tiếp nhận, đã trở thành đối tượng của những buổi công diễn, đã được đánh giá, phê bình, nhận xét của người nghe, người xem mà không hiếm trường hợp những nhận xét phê bình ấy của độc giả các nước khác đã dịch ra tiếng nước ngoài – là việc minh định và chỉ ra chính xác tất cả những điều đó tự nó đã lý giải hết thảy các quá trình riêng biệt ấy. Đó là một công việc rất phức tạp, tỉ mỉ, tốn nhiều công sức. Nó đòi hỏi giải quyết rất nhiều vấn đề thuộc về sưu tầm, tiểu sử học, văn bản học, bình chú v.v…
Công việc này hoàn toàn cần thiết. Kết quả của nó dần dần tạo ra cơ sở dữ liệu của khoa học về văn học như đã nói, mà thiếu nó thì không có nền tảng vững chắc và có thể dẫn đến sự khái quát phiến diện hoặc thậm chí sai lầm. Nhiều nhà nghiên cứu văn học đã để hết tâm trí vào việc thực hiện những nhiệm vụ lập biểu đồ dữ liệu, cống hiến toàn bộ sức lực và sự quan tâm của mình xem đó như là “tiết diện” của mình. Trong phạm vi này thường tạo nên những nhà khoa học lớn và nghiêm túc đem lại trong lĩnh vực của mình sự uyên bác sâu rộng làm phong phú khoa học văn học bằng những khám phá thực sự rất quan trọng.
Tuy nhiên, với tất cả sự thiết yếu và tầm quan trọng to lớn của mình, toàn bộ điều đó chỉ là bậc đầu tiên của việc nghiên cứu văn học nghệ thuật. Nhưng khoa học văn học từ lâu đã không thể tự thỏa mãn với điều ấy. Và khi những nhà nghiên cứu văn học nào đó tự bằng lòng điều ấy, toàn tâm toàn ý chỉ đi vào tìm kiếm dữ liệu thì việc đấy lại hạn chế chân trời khoa học và chứa đựng nguy hiểm lớn đối với tư duy khoa học của họ.
Điều nguy hiểm đó là ở chỗ một số nhà nghiên cứu chỉ trên bình diện biểu đồ sự kiện dữ liệu thường phát triển và củng cố một quan niệm thích hợp với đối tượng khoa học của mình. Có thể gọi tên nó là quan niệm cá thể hóa đối với sáng tác và cá tính sáng tạo của các nhà văn. Điều đó tự nó hoàn toàn chính đáng nhưng không đầy đủ. Nó cần hàm chứa trong mình khả năng của một quan niệm khác có tính chủ yếu, bao quát trở thành nhiệm vụ của mình hướng cái riêng đến các cái chung.
Vấn đề là ở chỗ các nhà khoa học của lát cắt biểu đồ sự kiện thường xuyên có quan hệ với những hiện tượng cá biệt của sáng tạo nghệ thuật và với những sự kiện của các nhà văn riêng lẻ. Vì vậy ở họ thường xuất hiện một cách tự phát quan niệm cho rằng tất cả đặc thù của các tác phẩm của nhà văn này hay nhà văn khác được tạo nên bởi bản tính riêng của tư duy nghệ thuật và tài năng anh ta, mà bản tính ấy đã xuất hiện và phát triển trong những điều kiện và hoàn cảnh riêng biệt của đời sống và sáng tác của nhà văn. Và thậm chí khi bị cuốn hút bởi các sự kiện của những mối quan hệ xã hội, văn học riêng tư của các nhà văn đối với tư duy sáng tạo của họ thì các nhà nghiên cứu ấy thường xem xét chúng phần lớn chỉ theo bình diện cá biệt. Theo quan niệm của họ thì nhà văn lớn, tài năng có thể trải qua những ảnh hưởng nhất thời về văn học và tư tưởng khác trong khi vẫn giữ nguyên tất cả tính sáng tạo duy nhất, rõ ràng không hề mang những đặc điểm chung nào xuất hiện một cách lịch sử của tư duy nghệ thuật và xã hội.
Với quan điểm cá tính hóa đối với sự sáng tác của nhà văn thì các tác phẩm riêng biệt của họ cũng thường được xem xét giống như vậy. Các hành động và quan hệ của các nhân vật trong các tác phẩm kịch và tự sự được hiểu như sự tùy thuộc vào ý chí, chủ định, xúc cảm cá nhân các nhà văn tương tự như điều đó thường xảy ra trong thực tế với những con người có thực. Mỗi một nhân vật hành động ứng xử thế này hay thế khác phù hợp với những đặc điểm của tính cách cá nhân và vì vậy hoàn toàn đáp ứng với chính bản thân. Có thể khen ngợi hoặc phê phán nó về điều đó như một người đang sống và có thể cho nó một tính cách phù hợp vì điều đó. Bằng việc mô tả tính cách các nhân vật và thuật lại các cốt truyện các nhà văn tự tạo ra ít hoặc nhiều mặt cắt biểu đồ sự kiện, không tính đến những tình huống mà trong các hành động và quan hệ của các nhân vật tác phẩm tự biểu hiện không chỉ những bản tính riêng của chúng mà còn cả những tính cách xã hội và sự hiểu biết tư tưởng – cảm xúc mới nhất từ phía tác giả.
Ngay cả những nguyên tắc mô tả nghệ thuật vốn có ở những tác phẩm của từng nhà văn riêng lẻ có thể được nhìn nhận theo một quan niệm cho rằng toàn bộ những gì phụ thuộc vào các đặc điểm của tài năng sáng tạo của nhà văn giống như “phong cách riêng” của anh ta. Cách hiểu như vậy loại trừ phong cách văn học khỏi bất kỳ tính quy luật lịch sử nào. Những sự khác nhau và đổi thay các phong cách trong văn học của các thời đại được giải thích theo cách hiểu đó chỉ là sự biểu hiện và thay đổi của những cá tính sáng tạo duy nhất khác nhau. Và thế là văn học không có bất kỳ quy luật mang tính lịch sử phong cách nào!
Ở bình diện này có thể trình bày toàn bộ lịch sử văn học của dân tộc này hay dân tộc khác. Do đó có thể xuất hiện những tác phẩm thậm chí nhiều tập chứa đựng trong đó những bản tổng quan biểu đồ sự kiện đời sống xã hội – văn học các thời đại khác nhau và tiếp theo sau là những đặc điểm biểu đồ sự kiện các tiểu sử, các thời kỳ sáng tác, các nhân vật, cốt truyện của những tác phẩm quan trọng nhất và sau đó là kiểu cách văn chương riêng của các nhà văn sống cùng thời đại. Những cuốn sách như vậy thường chứa đựng không ít những tư liệu rất có ích nhưng ý nghĩa khái quát về quá trình văn học và các giai đoạn khác nhau của nó có thể bị hoàn toàn tước bỏ.
3
Nghiên cứu văn học tiến lên trình độ cao hơn khi nó tạo được một hệ thống những khái niệm khoa học mà với sự giúp đỡ của chúng có thể thấy được trong những bản sắc riêng các tác phẩm của các nhà văn đơn lẻ một số đặc điểm chung xuất hiện có tính lịch sử và có thể lặp lại trong sáng tác của các nhà văn khác. Với các khái niệm ấy, nghiên cứu văn học có thể tìm các quy luật phát triển lịch sử của các nền văn học dân tộc khác nhau.
Những đặc điểm chung của các tác phẩm văn học mà từ đó ánh xạ sang những khái niệm của chúng có thể chia làm hai loại. Mỗi loại là những bản chất chung có thể được hiện ra theo cách khác nhau trong các tác phẩm có liên quan với các thời đại khác nhau của phát triển lịch sử của văn học dân tộc này hay dân tộc khác và với những trào lưu, khuynh hướng khác nhau. Những đặc tính chung đó của các tác phẩm văn học nghệ thuật và những khái niệm phản ánh chúng thường được gọi là những đặc trưng mang tính loại hình va những khái niệm tương ứng.
Nhưng lại có những đặc tính khác trong khi xuất hiện ở các tác phẩm liên quan tới một thời kỳ lịch sử nhất định hoặc chỉ với một trào lưu văn học nào đó không lặp lại có tính lịch sử ra khỏi giới hạn của thời đại ấy của sự phát triển văn học dân tộc và của trào lưu văn học ấy. Những đặc tính chung đó và những khái niệm phản ánh chúng có thể gọi là những đặc tính lịch sử – cụ thể và những khái niệm tương ứng.
Có thể xem các trào lưu văn học thường được gọi như chủ nghĩa cổ điển Nga hay chủ nghĩa lãng mạn Pháp là những hiện tượng lịch sử cụ thể cơ bản. Trong các tác phẩm của những nhà văn thuộc vào một trào lưu văn học nhất định, xuất hiện ở một thời đại lịch sử nhất định trong một nền văn học dân tộc nào đó rõ ràng là có những đặc điểm chung khác biệt với những tác phẩm của các nhà văn thuộc những trào lưu khác và thời đại khác. Và những đặc điểm lịch sử không lặp lại ấy của nội dung các tác phẩm của một trào lưu nhất định tạo ra tính cụ thể lịch sử của tất cả các đặc tính và yếu tố của các tác phẩm ấy mà trong những tính chất chung của mình đã có thể tồn tại sớm hơn trong những tác phẩm của các tác phẩm khác với một nội dung khác và có thể sẽ được lặp lại trong những thời đại sau. Nói cách khác, những đặc điểm lịch sử cụ thể của văn học quy định sự xuất hiện và các sự thay đổi có tính lịch sử những đặc tính loại hình của nó.
Thoạt nhìn thì những đặc trưng loại hình học của các tác phẩm chỉ là các đặc điểm của hình thức nghệ thuật của chúng. Những đặc điểm duy nhất có tính lịch sử của nội dung khi được biểu đạt trong các phương tiện và thủ pháp phản ánh đời sống phù hợp với chúng, mỗi một lần đều bổ sung cho chúng tính cụ thể lịch sử của mình, mặc dù chính những phương tiện và thủ pháp ấy trong đặc tính chung của mình có thể lặp lại một cách lịch sử trong những tác phẩm của các trào lưu và thời đại khác trong khi biểu đạt những đặc điểm khác của nội dung nghệ thuật.
Điều đó liên quan trước hết cốt truyện những tác phẩm kịch và tự sự. Cốt truyện của từng tác phẩm riêng lẻ – đó là quá trình miêu tả trong tác phẩm những sự kiện, mỗi một lần nhiều hay ít mới mẻ, cụ thể, riêng biệt hiện ra nhờ những quan hệ và hành động của tất cả nhân vật hành động, được nhà văn dùng làm phương tiện khám phá những đặc điểm của các tính cách xã hội của chúng và đồng thời là phương tiện bộc lộ suy nghĩ tư tưởng – cảm xúc của những đặc điểm ấy của nhà văn. Vì vậy cốt truyện là phương tiện quan trọng nhất của hình thức tác phẩm.
Nhưng những quan hệ riêng biệt của các nhân vật hành động thường chứa ở trong mình một số đặc điểm chung có thể lặp lại trong những điều kiện lịch sử xã hội khác. Nhiều cốt truyện của các tác phẩm được xây dựng chẳng hạn, trên cái gọi là “tam giác” tình yêu của các nhân vật nhưng mà khi lặp lại thì lại nhằm biểu đạt một nội dung tư tưởng khác ở các nhà văn của các thời đại và trào lưu khác nhau.
Có thể nói chẳng có gì giống nhau về tất cả các phương tiện và thành phần khác của hình thức, ví dụ như về cấu trúc các hình tượng trong những tác phẩm tự sự. Những hình tượng nhân vật luôn được xây dựng trong các tác phẩm loại này từ những chi tiết khác nhau của tính tạo hình đồ vật. Nói cách khác chúng luôn luôn hàm chứa trong mình sự lựa chọn và tương quan nhất định của những chi tiết hành động, lời nói, xúc cảm, ngoại hình của các nhân vật trong quan hệ với những chi tiết của hoàn cảnh xung quanh chúng. Ở những nhà văn của các thời đại và trào lưu khác nhau mối quan hệ ấy thường khác nhau và mỗi lần đều không tái hiện một cách lịch sử bởi vì nó được dùng làm phương tiện biểu hiện của nội dung tư tưởng khác biệt theo đặc thù của mình. Nhưng tự nó trong những đặc tính chung của mình, các chân dung nhân vật, những đối thoại của chúng, sự mô tả những cảm xúc của chúng … được lặp lại một cách lịch sử theo cái kiểu là một đặc điểm loại hình của hình thức nghệ thuật.
Những đặc tính loại hình của các phương diện và nhân tố khác nhau của ngôn từ nghệ thuật được thấy rõ dễ hơn. Có thể tìm thấy trong các tác phẩm của phần lớn các tác giả những thời đại và trào lưu văn học khác nhau một số dạng giống nhau của lời lẽ bóng gió, những dạng thủ pháp ngữ điệu – cú pháp tương tự nhau và sự vận dụng những tiết tất nhịp điệu hay những kiểu đoạn thơ giống nhau. Nhưng mỗi lần biểu đạt nội dung tư tưởng – cảm xúc riêng biệt thì tất cả những đặc tính lặp lại một cách lịch sử ấy của hình thức ngôn từ các tác phẩm tiếp nhận được cái ý nghĩa và âm vang mới không lặp lại có tính lịch sử.
Nghiên cứu những khái niệm loại hình học, phản ánh những phương diện và yếu tố khác nhau của hình thức tác phẩm văn học nghệ thuật là nhiệm vụ một bộ phận của thi pháp như một bộ môn lý thuyết nằm trong thành phần chung của nghiên cứu văn học. Có thể gọi nó là “thi pháp hình thức”.
Nhưng không nên nghĩ rằng chỉ có những đặc tính hình thức nghệ thuật của chúng mới là các đặc trưng mang tính loại hình của tác phẩm văn học. Cả những phương diện khác nhau của nội dung nghệ thuật của chúng cũng có thể tự tái diễn một cách lịch sử.
Như vậy, trước hết là những đặc điểm nội dung làm phân biệt các tác phẩm của các loại văn học cơ bản – tự sự, trữ tình, kịch. Tất nhiên đang tồn tại những khác nhau to lớn trong các nguyên tắc và thủ pháp tái hiện đời sống trong từng loại của chúng.
Tự sự luôn là sự trần thuật chủ yếu về những sự kiện diễn ra trong đời sống của những nhân vật hành động. Còn trữ tình thì phần lớn trường hợp là suy ngẫm xúc cảm về đời sống hay là sự mô tả cảm xúc. Tự sự luôn luôn mang cốt truyện còn trữ tình thường thiếu cốt truyện. Để thể hiện nội dung trong tự sự thì các chi tiết tạo hình cụ thể như các tình tiết hành động, nói năng, chân dung, xúc cảm của nhà văn có ý nghĩa quyết định, cơ bản. Những chi tiết ấy trở thành chất liệu cấu tạo hình tượng tác phẩm và nhà văn trần thuật về chúng. Trong trữ tình thì tính tạo hình cụ thể thường phát triển yếu hơn và những đặc điểm của ngôn ngữ miêu tả và trầm tư lại có ý nghĩa quyết định việc biểu đạt nội dung. Chính vì thế mà ngôn ngữ nghệ thuật trong trữ tình thường là phương tiện truyền cảm tinh tế hơn nhiều so với tự sự. Trữ tình hầu như luôn luôn hướng tới tổ chức thi ca của ngôn ngữ, hoàn toàn thường thỏa mãn trong quy mô nhỏ của văn bản tác phẩm. Còn tự sự với tính cốt truyện và tính tạo hình cụ thể mở rộng, hiển nhiên là tìm đến những chiều kích lớn của trần thuật được thực hiện một cách hiệu quả như nhau trong thơ ca và văn xuôi.
Ở kịch có những đặc điểm chung cơ bản với tự sự. Đó là sự có mặt của các nhân vật hành động, sự phát triển hành động trong những điều kiện địa điểm và thời gian nhất định, là các khả năng như nhau của chất văn xuôi và chất thơ. Nhưng những tác phẩm kịch được dùng chủ yếu để dựng vở trên sân khấu, nhằm thống nhất nghệ thuật ngôn từ với nghệ thuật biểu diễn, có những nguyên tắc tái hiện cuộc sống của mình. Trong kịch không có sự mô tả và trần thuật của tác giả và chỉ hoàn toàn xây dựng bằng đối thoại và độc thoại của các nhân vật. Bị hạn chế thời gian của diễn xuất sân khấu, các đối thoại và độc thoại cần phải phù hợp với thời gian trong khối lượng lời của mình.
Tất cả đấy là đặc điểm loại hình của hình thức các chủng loại văn học. Nhưng chúng được tạo dựng trong các tác phẩm của các nhà văn những thời đại và trào lưu văn học khác nhau bởi những đặc điểm loại hình mang tính nội dung. Tự sự và kịch là một phía và trữ tình ở phía khác, khác biệt nhau trước hết ở trong một phương diện xác định nào đó của nội dung.
Phương diện đó tất nhiên không thể là hệ đề tài của các tác phẩm nghệ thuật, tức là những tính cách và quan hệ xã hội lịch sử – cụ thể đã trở thành đối tượng nhận thức nghệ thuật. Một số tính cách này hay tính cách khác có thể được tái hiện mang tính tự sự, tính kịch hay tính trữ tình.
Còn ở mức độ nhỏ hơn của phương diện nội dung nằm trong cơ sở của những chủng loại văn học khác nhau có thể là toàn bộ những vấn đề của tác phẩm tức là những phương diện các tính cách và quan hệ xã hội được miêu tả mà các nhà văn của các thời đại và trào lưu khác nhau xem chúng là cốt yếu hơn cả và họ lựa chọn, khuếch đại, phát triển chúng trong tác phẩm của mình. Những khía cạnh khác nhau của các tính cách xã hội được miêu tả cũng giống thế là phương diện các tính cách xã hội có thể trở thành vấn đề cơ bản trong cả ba chủng loại văn học. Chúng ta nhớ ví dụ như “Những anh hùng thời đại chúng ta”, “Vũ hội hóa trang” và “Khúc bi ca” của Lécmôngtốp.
Nếu như tất cả những tính cách xã hội khác nhau một cách lịch sử, và những mối quan hệ của chúng có thể chứa trong mình những mặt giống nhau được lặp lại trong những đặc điểm chung của chúng, ví như có thể phản ánh chủ yếu từ phương diện những quan hệ chính trị hoặc đời sống đạo đức của chúng hay từ phương diện ý nghĩa triết học của chúng …; nếu như nhà văn các thời đại và trào lưu khác nhau có thể thống nhất với nhau trong những đặc điểm chung lặp lại một cách lịch sử ấy của toàn bộ các vấn đề của mình thì tất cả điều đó sẽ không có một quan hệ nào hết đến vấn đề về các đặc điểm nội dung của chủng loại văn học.
Phương diện thứ ba của nội dung các tác phẩm văn học là mối quan hệ tư tưởng cảm xúc của các nhà văn với những tính cách xã hội mà họ nhận thức. Mối quan hệ ấy thường rất có ý nghĩa và hiệu lực trở thành “cảm hứng” của tác phẩm trong ý nghĩa ấy, đồng thời không có quan hệ trực tiếp với vấn đề đó. Sự hưng phấn cảm xúc của tác phẩm tự có những sự khác biệt mà trong những đặc tính chung của mình chúng tự tái hiện một cách lịch sử trong sáng tác của các nhà văn ở các thời đại và trào lưu khác nhau. Nó có thể trở thành cảm hứng anh hùng và lãng mạn, trào phúng và châm biếm v.v.. Nhưng trong tất cả những biến tướng được lặp lại của mình nó có thể trong chừng mực giống nhau trở thành biểu hiện trong các tác phẩm tự sự, kịch, trữ tình…
Hêghen trong “Mỹ học” của mình và sau đó Bêlinxki trong bài báo “Phân chia thể loại thơ ca” đã xác định sự khác nhau giữa tự sự, trữ tình và kịch từ cái nhìn vị thế chủ đạo của nguyên tắc cái khách quan hay cái chủ quan trong đó. Nhưng Hêghen đã xây dựng toàn bộ lý luận các loại văn học của mình trên tư liệu văn học Hy Lạp cổ đại, trên những sự kiện thời hưng thịnh lần lượt của sáng tác tự sự, trữ tình, kịch của người Hy Lạp cổ đại. Và đối với ông thì chỉ có một trong những thể loại anh hùng ca – sử thi nhân dân như anh hùng ca Hôme mới là kiểu mẫu và thước đo toàn bộ chủng loại tự sự sử thi. Vì vậy trong ảo ảnh tính khách quan của trần thuật được xem là bản chất có thật của “Iliat” và “Ôđixê”, Hêghen đã nhìn thấy tính khách quan hiện thực của tác phẩm tự sự nói chung và đã theo đó mà phân biệt toàn bộ chủng loại tự sự văn học với chủng loại trữ tình như là cái chủ quan và xem kịch như là sự tổng hợp của chúng.
Thật ra thì cả ba chủng loại văn học đều chứa đựng trong mình sự thống nhất nhận thức của tác giả về “khách thể” tức là sự phản ánh những bản chất đặc trưng vật chất hay tinh thần của hiện thực và về “chủ thể” tức là sự hiểu biết và đánh giá mang tính tư tưởng từ phía tác giả. Trong các tác phẩm của cả ba loại văn học luôn có thể tìm thấy cả ba phương diện cụ thể nội dung của chúng. Và có nghĩa là vấn đề về những khác biệt có nội dung sâu sắc của ba loại văn học không thể giải quyết bằng con đường mà Hêghen và Bêlinxki đã đưa ra. Cho đến nay vấn đề này vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng nhất định mặc dù đã tưởng là ai cũng rõ như thế nào là tự sự, trữ tình, kịch nói chung.
Trong nghiên cứu văn học hiện đại vấn đề về các thể loại văn học còn khai thác ít hơn nhiều. Và khai thác nó bằng con đường riêng của nghiên cứu, khái quát hình thức tất nhiên là không thể được. Không thể xem các thể loại chỉ là hiện tượng hình thức – loại hình. Hình thức tác phẩm văn học được tạo nên bởi tất cả những đặc điểm và các phương diện nội dung của nó trong sự thống nhất của chúng và trước hết là bởi những đặc điểm lịch sử cụ thể không lặp lại của hệ đề tài, toàn bộ các vấn đề và cảm hứng của nó.
Do đó các tác phẩm của thể loại này hay thể loại khác trong sáng tác của nhà văn của các thời đại và trào lưu văn học khác nhau nhất định sẽ có những đặc điểm khác nhau của các cốt truyện, kết cấu, ngôn từ nghệ thuật. Nhưng đồng thời trong quan hệ này chúng cũng sẽ khác với các tác phẩm của những thể loại khác trong sáng tác của chính các nhà văn đó. Như vậy là các loại thể cũng giống như các loại văn học thường xuyên có những sự khác biệt cơ bản trong hình thức của mình, tuy nhiên vẫn có thể phát hiện những đặc điểm nội dung mang nét chung nào đó được lặp lại một cách lịch sử.
Rõ là uổng công ví dụ sự nỗ lực làm điều đó của V.B.Sklôpxki trong “lý thuyết tiểu thuyết” của mình đã đưa tất cả đặc điểm thể loại này vào cấu trúc tác phẩm. Trong sáng tác của Stern, V.B.Sklôpxki đã đặc biệt nghiên cứu theo quan điểm ấy một trong những tiểu thuyết của nhà văn có kết cấu xác định. Nhưng các tiểu thuyết của Risácxơn lại có kết cấu khác, các tiểu thuyết của V.Xcốt thì có kết cấu của mình, còn những tiểu thuyết của Đichken đặc biệt trong giai đoạn sau của sáng tác của ông khác biệt dữ dội về mặt kết cấu với tiểu thuyết của các nhà văn xuôi Anh tiền bối. Cũng dễ vạch ra điều đó trong các nền văn học dân tộc khác. Các tiểu thuyết của các nhà văn Nga lớn nhất được sáng tác trong cùng một thời đại – của Gôntrarốp, Tuốcghênhép, L. Tônxtôi, Đôxtôiepxki, khác biệt nhau rõ rệt bởi tất cả các đặc điểm hình thức của mình, bởi cốt truyện, các chi tiết tạo hình trực quan, kết cấu các hình tượng và toàn bộ sự trần thuật, ngôn từ nghệ thuật. Tuy nhiên toàn bộ chúng là hiện tượng của một thể loại, toàn bộ chúng là các tiểu thuyết. Cái gì là cái chung giữa chúng. Điều đó tất nhiên là cái tính chung nội dung thể loại của chúng. Nhưng vấn đề cái chung ấy cũng chưa được quyết định một cách đầy đủ rõ ràng trong khoa học hiện đại về văn học.
Phạm trù thường có tên “phương pháp” sáng tác là một phạm trù có nội dung phong phú. Những năm 1930 các nhà văn học Xô Viết đã đi tới sự phân hóa rất quan trọng các khái niệm khoa học trong mối quan hệ này. Họ đã nêu ra vấn đề “phương pháp” sáng tác, xem nó là nguyên tắc phản ánh nghệ thuật này khác, ví như chủ nghĩa hiện thực. Họ đã xác định rằng các trào lưu văn học như những hiện tượng lịch sử cụ thể không lặp lại và “các phương pháp” sáng tác như những thuộc tính loại hình lặp lại một cách lịch sử của các tác phẩm văn học. Đó không phải là cái gì hoàn toàn khác biệt rằng trong các tác phẩm của trào lưu này hay trào lưu khác có thể xuất hiện “các phương pháp” sáng tác khác nhau, những nguyên tắc phản ánh cuộc sống khác nhau.
Đương nhiên rằng nguyên tắc này hay nguyên tắc khác phản ánh nghệ thuật cuộc sống thì đó cũng là một phương diện của nội dung các tác phẩm văn học. Những phương diện ấy có thể tồn tại trong sáng tác của nhà văn những thời đại và trào lưu khác nhau, được lặp lại một cách lịch sử, trong khi vẫn có những đặc điểm không lặp lại ở những đặc điểm cụ thể của nội dung sáng tác của họ. Hiển nhiên của Phônvidin và Rađisép, cả Gôgôn và Nhêcraxốp, cả L.Tônxtôi và Sêkhốp là những nhà hiện thực chủ nghĩa trong phương diện phê phán của nội dung của tác phẩm của mình,mặc dù họ sáng tác trong những thời đại khác nhau và thuộc về những trào lưu khác nhau.
Nhưng về sau nhiều nhà nghiên cứu văn học Xô Viết đã làm mất đi tính chính xác và đơn giản của khái niệm đó. Họ dần dần đã biến “phương pháp” sáng tác từ khái niệm loại hình học thành khái niệm cụ thể lịch sử. Họ đã gọi những đặc điểm hệ đề tài, toàn bộ vấn đề và cảm hứng sáng tác của các nhà văn của một thời đại nhất định và một trào lưu nhất định là “phương pháp” sáng tác và đôi khi cùng với cả những đặc điểm cụ thể của hình thức các tác phẩm của chúng. Hơn nữa họ đã không xây dựng một thuật ngữ mới nào có thể làm rõ thêm phương diện loại hình học của nội dung, các phương diện mà trước kia trong những năm 30 họ đã gọi là “phương pháp” sáng tác. Và điều đó thường đưa đến lẫn lộn khái niệm.
Mỗi biểu hiện của sự không hoàn thiện và thiếu bền vững của khái niệm mới là trong khi gọi một trong những nguyên tắc của phản ánh nghệ thuật cuộc sống, các nhà nghiên cứu văn học của chúng ta cho đến bây giờ – đã 35 năm trôi qua kể từ khi bắt đầu nói về “phương pháp” sáng tác – đã không thỏa thuận gọi một cách khác hoặc những nguyên tắc của sự phản ánh nghệ thuật cuộc sống là phi hiện thực chủ nghĩa.
Thoạt đầu tiên nguyên tắc phản ánh khác với chủ nghĩa hiện thực đã được người ta gọi là “chủ nghĩa lãng mạn”. Nhưng dưới cái tên “chủ nghĩa lãng mạn” đã từ lâu thường hiểu là một trào lưu văn học nhất định hay chính xác hơn là những trào lưu xuất hiện trong các nền văn học châu Âu cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX và giữa chúng có nhiều cái chung. Đối với mỗi nền văn học dân tộc, chủ nghĩa lãng mạn đã là một hiện tượng cụ thể lịch sử và không lặp lại. Mưu toan bổ sung ý nghĩa loại hình học cho dấu hiệu lịch sử cụ thể ấy đồng thời đã làm rối rắm thêm các khái niệm nghiên cứu văn học. Hơn nữa thuật ngữ “chủ nghĩa lãng mạn” đến lúc dần dần đã có thêm ý nghĩa loại hình học khác. Cảm hứng lãng mạn của sáng tác như đặc tính được lặp lại một cách lịch sử của nội dung các tác phẩm văn học đã được họ làm rõ. Tất cả điều đó đã gây ra rất khó khăn việc sử dụng chính xác thuật ngữ “chủ nghĩa lãng mạn”. Đồng thời điều đó làm mất đi sự sáng rõ và sự hiểu biết thực chất nguyên tắc phản ánh đời sống đối lập với chủ nghĩa hiện thực là gì, là cái gì từ phía nội dung tác phẩm.
Nhưng cả những khái niệm có tính chất loại hình khác phản ánh những đặc tính và các biến thể khác nhau của cảm hứng tư tưởng – cảm xúc của các tác phẩm văn học cũng không đem lại sự sáng tỏ đầy đủ trong khoa học hiện đại về văn học. Ví dụ sự khác nhau giữa cảm hứng anh hùng và lãng mạn, giữa tính chất anh hùng và tính chất bi kịch, giữa tính cao thượng và tính hài kịch, giữa cảm hứng hài hước và châm biếm là chỗ nào? Nhưng chính tất cả những điều đó cũng mang những đặc tính lặp lại một cách lịch sử các nội dung văn học nghệ thuật, mà những đặc tính ấy cũng nhận được tính cụ thể lịch sử của mình trong các tác phẩm các nhà văn những thời đại và trào lưu khác nhau.
Như vậy là bên cạnh hệ thống những khái niệm có tính chất loại hình phản ánh những đặc tính lặp lại một cách lịch sử của hình thức nghệ thuật, trong nghiên cứu văn học cần phải xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh những khái niệm phản ánh những đặc tính được lặp lại một cách lịch sử của nội dung có tính nghệ thuật. Cần có một bộ phận khác của thi pháp chuyên nghiên cứu chúng, đó là “thi pháp nội dung”. Với sự hỗ trợ của một loại khái niệm nhằm khám phá sự phát triển mang tính lịch sử của văn học trong những nguyên tắc có nội dung phong phú của nó, các nhà nghiên cứu văn học có thể tiến hành một cách hiệu quả việc nghiên cứu từ trình độ biểu đồ sự kiện sáng tác của các nhà văn riêng lẻ – một việc rất quan trọng – đến việc nghiên cứu khoa học sâu sắc quá trình văn học trong tính quy luật lịch sử – xã hội của nó.
Trong khi gác lại phương diện loại hình của hình thức nghệ thuật, cuốn sách này giới thiệu sự xem xét tỉ mỉ những vấn đề liên quan với các phương diện loại hình của nội dung các tác phẩm văn học nghệ thuật.
Nhưng những vấn đề được đặt ra trong cuốn sách hiển nhiên cần phải dựa vào sự hiểu biết tổng quát về nghệ thuật nói chung và về văn học nghệ thuật nói riêng. Tác giả đã trình bày những quan điểm của mình trong cuốn “Cái thẩm mĩ và cái nghệ thuật” (Nhà xuất bản MGU, 1965).