Trần Đình Sử – Văn học và ý thức hệ xã hội

Vấn đề mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật với ý thức hệ (hình thái ý thức xã hội) không mới, nhưng cũng không phải là đã cũ, bởi vẫn còn nhiều quan niệm và phương diện chưa được làm sáng tỏ. Toàn bộ các khía cạnh ngổn ngang của văn học và hình thái ý thức xã hội đang phơI bày ra chứng tỏ vấn đề  có một tầm quan trọng cần được nghiên cứu.

Tuy nhiên mối quan hệ văn học và ý thức hệ lại là vấn đề khó giải quyết bậc nhất, bởi vì trên hai trăm năm nay nó đã bị ý thức hệ hoá một cách sâu sắc, dù bàn bạc thế nào, người ta cũng dễ dàng  quy cho nó một ý nghĩa ý thức hệ nào đó và thế là hầu như chỉ còn một cách là giải quyết mối quan hệ đó bằng ý thức hệ! Như thế, nội dung khoa học của vấn đề sẽ bị che lấp hoặc xuyên tạc. Ngày nay khi nhiều kênh thông tin được mở rộng thì vấn đề có cơ hội được nhìn nhận từ nhiều phía và vấn đề có điều kiện soi sáng hơn trước.

Muốn giải quyết vấn đề này theo tôi phải bắt đầu từ việc xác định đặc trưng của văn học cũng như nội hàm của khái niệm ý thức hệ, sau đó mới xem xét mối quan hệ của chúng với nhau.

Về khái niệm văn học, trước đây khi đi tìm đặc trưng văn nghệ giới lí luận chịu ảnh hưởng sâu sắc của “chủ nghĩa bản chất”, một quan niệm logos trung tâm luận phương Tây có từ thời cổ đại, cho rằng mọi sự vật đều có một cái bản chất bất biến, phân biệt rõ rệt với những cái có bản chất khác với nó. Theo quan niệm đó, bản chất của văn học là bất biến và người ta đi tìm cái bản chất ấy bằng cách đối lập văn học với mọi cái phi văn học, lần lượt đi tìm bản chất ấy trong cái đẹp, trong tính vô mục đích, trong trò chơi, giải trí, hư cấu, trong cấu tạo đặc biệt của ngôn từ, “lạ hoá”, “tính văn học”, trong hoạt động hư cấu, trong diễn ngôn bất cập vật (tức là phi phản ánh). Những con đường ấy đều có ý nghĩa không thể phủ nhận, nhưng do quan niệm “bản chất” trừu tượng mà các khái niệm ấy khi đem vận dụng vào thực tế đều ít hiệu quả. Khoa học văn học nửa cuối thế kỉ 20 lại cho thấy rõ hạn chế của quan niệm bản chất chủ nghĩa ấy. Thứ nhất, theo khảo chứng riêng biệt của R. Wellek và J. Culler khái niệm “văn học” (literature) như ngày nay ta hiểu thực ra là rất mới, mới có từ giữa thế kỉ 19, (ở Việt Nam, khái niệm “văn học” xuất hiện đầu thế kỉ 20 lại là từ vay mượn từ cách dịch của người Nhật vào cuối thế kỉ 19) và những cái “đặc trưng”[1] của văn học mà ta tưởng chỉ có một mình văn học có mà thôi thì người ta lại dễ dàng tìm thấy trong các sáng tác phi văn học. Nói một cách khác, khái niệm văn học “thuần tuý”, “đích thực” vốn là xác tín của không ít người thực ra chỉ là ảo tưởng, bởi vì nó được khái quát từ một số tác phẩm văn học kinh điển được chọn lọc, chứ không phải là được khái quát từ toàn bộ mọi tác phẩm được coi là văn học như nó đang hoạt động trong đời sống tinh thần muôn màu đa dạng của con người, do vậy nó thiếu tính bao quát. Đứng trước thực tế đó, các nhà giải cấu trúc hiện nay có người cho rằng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “văn học là gì?” không nhất thiết là cần thiết, người ta quan niệm văn học như thế nào thì sẽ có được văn học như thế ấy. Với những quan niệm văn học như thế mà muốn tách biệt rạch ròi văn học với ý thức hệ về mặt lí luận là điều không dễ làm được. Xem văn học cách mạng trong hai thời kì kháng chiến không phải là văn học đích thực nghe cũng khó thông. Thứ hai, trong thời đại ngày nay văn học được hiểu như một thứ diễn ngôn, mà mọi diễn ngôn đều không tránh khỏi mang tính chất của ý thức hệ nhất định. Như thế thì bản chất ý thức hệ của văn học đã là điều hiển nhiên, không phải bàn cãi gì nữa. Thứ ba, khi con đường định nghĩa văn học từ phía bản chất gặp khó khăn, thì người ta thiên về hướng đi tìm đặc trưng văn học bằng con đường lịch sử và chức năng, tuỳ thuộc vào điều kiện xã hội, lịch sử và quan niệm văn học mỗi thời mà văn học được tạo ra để đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ của con người thời đó. Như thế văn học mọi thời đều là văn học theo cách quan niệm của nó. Ngày nay trên thế giới, khi nhiều người kêu lên là “văn học đang chết”, thì không phải văn học chết, mà là nó đang có thay đổi lớn về tính chất, đặc trưng cũng như vị trí của nó trong đời sống xã hội. Như thế vấn đề dặc trưng văn học vẫn đang bỏ ngỏ. Văn học thời đại hiện nay sẽ có nhiều điểm khác hẳn với quan niệm văn học đã hình thành trong tâm trí mọi người. Như thế khái niệm văn học ngày nay đã được hiểu khác trước, mềm mại hơn, linh hoạt hơn, lịch sử cụ thể hơn. Một quan niệm văn học đầy đủ  phải phản ánh quan niệm văn học qua các thời đại lịch sử và địa phương trên thế giới. Vậy còn khái niệm ý thức hệ thì được hiểu ra sao?

Xét một cách tổng quát, cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm khoa học về ý thức hệ xã hội được mọi người nhất trí. Giovani Sartori cho rằng ý thức hệ giống như cái hộp đen, mỗi người hiểu một cách, thiếu một sự nhận thức chung. Có người khái quát thành 10 định nghĩa như Colin Sumner, có người khái quát thành 5 định nghĩa như John Storey. Theo T. Eagleton thì đến nay có không ít hơn 16 định nghĩa. Trong các nước xã hội chủ nghĩa ý thức hệ vô sản mang ý nghĩa tốt, còn ý thức hệ tư sản chỉ có nghĩa xấu. Trái lại, trên truyền thông nhiều nước, trong đó có Mĩ, ý thức hệ chỉ có nghĩa xấu, và chỉ ý thức hệ phía “bên kia” mới là ý thức hệ xấu đó. Trong phê bình văn học nhiều nước khái niệm ý thức hệ cũng mang nghĩa xấu. Nhiều nhà xã hội học khi đề cập đến ý thức hệ đã phải sử dụng thuật ngữ khác, chẳng hạn họ dùng các khái niệm như “quan niệm”, “thế giới quan”, “triết học”, “tư tưởng”, “lí luận”, “niềm tin”…để thay thế, nhưng không thể tránh được. Có thể nói đây là một trong những phạm trù được sử dụng nhiều nhất nhưng mơ hồ nhất, phức tạp nhất, thế mà lại có uy lực to lớn[2].

Về lịch sử, khái niệm này đã trải qua một quá trình diễn biến đáng kể gồm bốn giai đoạn.

1) Ý thức hệ như là khoa nghiên cứu tinh thần, ý thức. Cuối thế kỉ XVIII(1796)  một học giả Pháp là ông Destutt de Tracy nêu lên  như một khái niệm triết học để chỉ một học vấn về tinh thần con người (“ideologie” có nghĩa là “ý thức học”). Khoa học nghiên cứu về ý thức chứ chưa phải là “ý thức hệ”xuất hiện sau đó.

2) Ý thức hệ như là quan niệm thế giới một cách lộn ngược. Trước Marx, Hegel, Feuerbach xem ý thức hệ như một hình thức tha hoá của ý thức con người.  Đến giữa thế kỉ 19 Marx là người sử dụng theo ý nghĩa mới có tính cách mạng. Một mặt Marx nói tư tưởng, quan niệm (chính trị, pháp luật, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật, siêu hình học) là sản phẩm tinh thần trực tiếp trong quan hệ sản xuất vật chất giữa người với người, gắn chặt với ngôn ngữ giao tiếp[3], mặt khác, ông xem ý thức hệ là cái thích ứng với “thượng tầng kiến trúc” pháp luật và chính trị, và “phụ thuộc vào hạ tầng cơ sở”. (Phê phán chính trị kinh tế học); trong công trình Hệ tư tưởng Đức Marx và Engels đã hiểu thượng tầng kiến trúc là hệ tư tưởng, gồm nhiều hình thái, thường mang tính chất dối trá, hư ảo, che đậy sự thật, là đoá hoa không bao giờ kết qủa. Như vậy, so với Hegel, Feuerbach, thì Marx dùng ý thức hệ theo nghĩa nhận thức chân lí, phân biệt sự thật/dối trá, đồng thời là sự biểu hiện và phụ thuộc của một cấu trúc kinh tế nhất định và sụp đổ theo cấu trúc kinh tế ấy. Đối với Marx lúc này ý thức hệ mang tính chất vật chất, mất đi theo cơ sở vật chất, và chỉ có một nghĩa xấu, dối trá, che đậy sự thật, còn chủ nghĩa Marx và tư tưởng của giai cấp vô sản, theo ông là khoa học, thì không dính dáng gì đến ý thức hệ cả. Biến chủ nghĩa Marx thành ý thức hệ của giai cấp vô sản, một ý thức hệ quan phương là điều làm Marx “không muốn thừa nhận mình là mác xít” nửa.

3) Ý hức hệ như là ý thức giai cấp và ý thức của chính đảng. Đến thời của mình, Lênin (trong điều kiện chưa đọc cuốn Hệ tư tưởng Đức của Marx và Engels, bởi vì 9 năm sau khi ông qua đời, năm 1932 nó mới được xuất bản lần đầu tiên) do nhu cầu đẩy mạnh phong trào công nhân, nâng trình độ ý thức vô sản từ tự phát lên tự giác,  trong tác phẩm Làm gì? (viết khi ông ngoài 30 tuổi) đã đề xuất quan niệm  ý thức hệ vô sản như là một ý thức hệ có tính chất chính trị, quy nội dung ý thức hệ là nội dung giai cấp, ý thức hệ là công cụ đấu tranh giai cấp. Theo Lênin, trong xã hội hiện đại, không có ý thức hệ siêu giai cấp. Hoặc là ý thức hệ tư sản hoặc là ý thức hệ vô sản, không có ý thức hệ thứ ba. Lênin nâng ý thức hệ vô sản lên mức độ là ý thức lãnh đạo, chuyên chính (ideologicheskaia diktatura). Theo Lênin trong bài báo Ba cội nguồn và ba bộ phận tạo thành của chủ nghĩa Mác (1913) đã nhận định ý thức của giai cấp tư sản ích kỉ không thể xuất hiện được tư tưởng khoa học đích thực. Quan niệm ý thức hệ này được một số lãnh tụ đẩy lên cực đoan, chẳng hạn Stalin xem các tư tưởng khoa học của Morgan, Mandel, Enstein đều là thuộc phạm trù tư sản và ra sức chống lại.  Sau  Lênin, Stalin, Gramsci quan niệm chính trị hoá ý thức hệ trở thành chủ đạo, sự đối lập  vô sản với ý thức hệ tư sản vẫn được duy trì gay gắt. Quan niệm này kế thừa quan niệm ý thức hệ của Marx, nhưng đồng thời khác xa với quan niệm của Marx và Engels.

4) Ý thức hệ như là phương thức tái sản xuất con người xã hội. Về nội hàm, đúng như quan niệm của Marx, ý thức hệ là một bộ phận đời sống tinh thần thuộc thượng tầng kiến trúc của xã hội, nhưng nội dung của nó qúa rộng, phức tạp, bao gồm các hệ thống tư tưởng, tín ngưỡng, giá trị, phong tục tập quán, trong đó có hệ thống tri thức, bao gồm nhận thức khách quan, khoa học, nhưng cũng bao gồm cả tình cảm, ảo tưởng, truyền thuyết, tôn giáo, huyền thoại, vu thuật, quan hệ đến hành động, xã hội, nhân loại, tính hợp pháp, tính quyền uy, từ sinh hoạt đời thường đến tập tục đầy sức mạnh. Về hình thức, hình thái ý thức được thể hiện thành các hệ thống kí hiệu, biểu tượng có sức biểu đạt mạnh mẽ, có khả năng truyền bá sâu rộng, nhanh chóng, hiệu quả, vừa có sức ngưng kết chặt chẽ, lại vừa có tính mở. Về chức năng hình thái ý thức có tiềm năng không chế, thao túng, động viên, thúc đẩy người ta hành động như một hệ thống tín ngưỡng. Nhà marxist phương Tây là Louis Althusser đã chứng minh rằng, ý thức hệ không chỉ là phản ánh các quan hệ hiện thực, mà còn biểu hiện sự thể nghiệm, tưởng tượng quan hệ của mình đối với tồn tại, như thế ý thức hệ là biểu hiện sự phụ thuộc của con người vào thế giới của nó, là sự thống nhất đa nguyên của các quan hệ chân thực và các quan hệ tưởng tượng. Vì thế không nên xem ý thức hệ giản đơn chỉ là hư ảo, xuyên tạc, che đậy tồn tại, mà nó còn mang nhiều ý nghĩa hơn. Theo Althusser, ý thức hệ là một cấu trúc sản xuất xã hội của con người. Sự tái sản xuất sức lao động không chỉ sản xuất con người mà còn sản xuất cả tư tưởng, quan hệ, quan niệm, tình cảm của con người lao động, do đó ý thức hệ đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động đó và không có ý nghĩa xấu. Khái niệm ý thức hệ đó mang nội dung văn hoá. Với ý nhĩa này, ý thức hệ đồng nghĩa với hệ thống các lĩnh vực văn hoá, và đặc trưng bởi các chức năng đối với đời sống xã hội.

Nhà văn hoá học Mĩ Clifford Geertz[4] xem toàn bộ hệ thống tượng trưng, biểu tượng là hệ thống văn hoá, bởi chúng không sụp đổ theo sự sụp đổ của thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở.

Để xem xét thực chất ý thức hệ, theo chúng tôi thiết nghĩ phải hiểu ý thức hệ như một phạm trù trung tính, cố gắng thoát ra khỏi tính chất ý thức hệ hoá của nó (tức đặt nó vào trong ngoặc) mới mong tìm ra lời giải. Mặt khác, không được đồng nhất ý thức hệ với các nội dung ý thức của con người, bởi vì xét cho cùng, một nội dung tư tưởng thể hiện bản chất ý thức hệ ở chức năng của chúng, chứ không phải chính nội dung đó, bởi vì cũng tư tưởng đó nhưng có lúc đóng vai trò ý thức hệ , lúc khác lại không còn vai trò ý thức hệ nữa. Vì thế ở đây chúng tôi sẽ xét trên bốn mặt: thực thể, chức năng, sự hình thành và tính chất.

Về mặt thực thể tinh thần, ý thức hệ là một hệ thống tri thức, tín ngưỡng, giá trị, lợi ích, bao gồm dục vọng, tình cảm, biểu tượng, diễn ngôn. Hệ thống này mang đời sống tinh thần của con người, thấm nhuần tình cảm, tràn đầy ảo tưởng, mang nhiều tính chất huyền thoại, không tưởng. Trong hệ thống này giá trị thực tiễn là mục đích, tri thức là phương tiện, là yếu tố dùng để nguỵ trang giá trị và dục vọng, biến chúng thành thiên kinh địa nghĩa, chính đáng, hợp lí, hợp pháp. Thực thể tinh thần này thường xuyên biến động.

Xét về mặt chức năng ý thức hệ tỏ ra có một tầm quan trọng rất lớn trong đời sống. Daniel Bel cho rằng ý thức hệ có tác dụng đòn bẩy, sức thúc đẩy, tiềm năng định hướng hành động, khiến sự việc hợp pháp hoá, làm xã hội hài hoà, có khả năng tập hợp. Chức năng của ý thức hệ rất nhiều, song khái quát có thể kể bốn chức năng chính như sau.

1. Chức năng tạo thế giới quan. Ý thức hệ thường khái quát tư tưởng một cách súc tích, giản tiện, trở thành cái khung, bộ lọc quy định cách cảm nhận thế giới, tiếp nhận thông tin, nhận thức chân lí, xác định lí tưởng của mọi người. Ý thức hệ có chức năng tạo thế giới quan cho con người. Ý thức hệ do con người tạo ra, nhưng chủ thể con người lại là sản phẩm của ý thức hệ, nó tạo ra địa vị, thân phận của chủ thể và với địa vị, thân phận ấy mà chủ thể duy trì, truyền bá ý thức hệ. Max Weiber xem con người là động vật đi tìm ý nghĩa và sống trong thế giới ý nghĩa do mình thêu dệt ra như con tằm nằm trong cái kén của nó. Khi cái kén ý nghĩa bị rách nát thì ý thức hệ chỉ cho con người tìm cách vá víu, vá víu không được thì lo âu, thất vọng, cảm thấy hư vô. Ý thức hệ trói buộc con người rất chặt chẽ. L. Althusser, khác với quan niệm của Marx, cho rằng ý thức hệ không hẳn dối trá mà có tác dụng “tích cực”(positive nature), nó cung cấp cái bộ lọc giả tưởng để con người cảm nhận hiện thực, và đó là cái hiện thực đã được ý thức hệ hoá, chứ không phải là hiện thực khách quan, chân thực như nó vốn có. Ý thức hệ có chức năng trói buộc nhận thức cảm tính, mĩ cảm của con người. Chẳng hạn nho gia chủ trương phi lễ thì không nhìn, “từ đạt nhi dĩ hỉ”, “mĩ ngôn bất tín, tín ngôn bất mĩ”…Nói chung con người luôn bị phong bế trong màn sương mờ của ý thức hệ, thường không mấy khi thấy được “bản lai diện mục” của bản thân và thực tại xung quanh.

2. Chức năng chỉ phương hướng hành động. Đối diện với hiện trạng chức năng của ý thức hệ hoặc là biện hộ tính hợp lí, hợp pháp nhằm duy trì hiện trạng hoặc là chủ trương phê phán xã hội, làm thay đổi hiện trạng. Phần lớn ý thức hệ do duy trì hiện trạng cho nên tư tưởng mang nặng tính chất tĩnh tại, bảo thủ. Ý thức hệ cũng có thể mang hình thái không tưởng, và với hình thái đó nó thúc đẩy xã hội thay đổi. Lực lượng cấp tiến thúc đẩy xã hội đổi thay thường là mang tính chất không tưởng. Chức năng của ý thức hệ như thế có tác dụng quy định cương lĩnh, phương châm hành động, xác định thái độ đối với hiện trạng. Nó cũng góp phần vẽ ra bức tranh của xã hội tương lai, tạo ra ảo tưởng, xoa dịu lo âu, nhằm giải quyết khủng hoảng xã hội. Về phương diện này có thể hiểu được rằng tại sao ý thức hệ cấp tiến thường mang bộ mặt phê phán gay gắt trật tự hiện hành, nhiều khi  trở thành cực đoan, nhằm muốn thúc đẩy nó tiêu vong nhanh hơn. Người ta lợi dụng sức mạnh đó của ý thức hệ để phê phán xã hội, nhưng lí tưởng mà nó nêu lên thì thường không bao giờ thực hiện được. Đó là tính chất không tưởng vốn có của ý thức hệ. Xét trên các mặt này thì ý thức hệ thường gắn bó mật thiết với hư cấu, tưởng tượng, ảo tưởng, không tưởng, huyền thoại. Ý thức hệ là phần lí thuyết của mọi ảo tưởng và không tưởng. Do tính chất ảo tưởng này mà ý thức hệ muốn đổi thay xã hội thường mang tính chất lí tưởng chủ nghĩa và lãng mạn chủ nghĩa.

3. Chức năng động viên xã hội, kêu gọi hành động. Ý thức hệ tuy luôn sử dụng lí thuyết, quan niệm, tri thức, tín điều, tôn giáo, thần thoại…nhưng nó không giống với các tri thức, lí luận, khái niệm… thông thường là thúc đẩy nhận thức, bởi vì nó là sức kêu gọi, nhân tố thúc đẩy thực tiễn. Con người bao giờ cũng muốn xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, hài hoà, do đó mà muốn tạo dựng chế độ chính trị thoả mãn nhiều người nhất. Khi xã hội không đáp ứng được nguyện vọng của mình thì con người liền chống lại, thách thức ý thức hệ cũ. Như thế ý thức hệ là tinh thần gắn bó lí luận với thực tiễn. Sở dĩ ý thức hệ có sức mạnh tổ chức xã hội là vì nó có tác dụng liên kết, thống nhất, đồng hoá mọi người, trở thành sức mạnh tổ chức. Các khẩu hiệu như “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái”, “dân tộc”, “dân chủ”, “hạnh phúc”, “chủ nghĩa xã hội”, “nhân dân làm chủ”, “đội tiên phong”… sở dĩ có sức kêu gọi là vì chỉ mấy chữ rất cô đúc mà nói rõ được những khát khao, dục vọng của con người đang sống dưới ách thống trị, áp bức tàn bạo và khát vọng vươn tới làm chủ đời mình. Ý thức hệ có sức kêu gọi và đoàn kết còn là vì nó cung cấp tiêu chuẩn để phân biệt tốt xấu, thiện ác, địch ta, cung cấp vũ khí để phê phán trật tự hiện tại.

4. Chức năng tạo thành hệ thống diễn ngôn có sức ảnh hưởng, tác động rộng lớn trong xã hội. Diễn ngôn không như lời nói, là cách thức biểu đạt có tính cá nhân trong thực tiễn lời nói, bởi vì diễn ngôn là thứ không có tác giả, nó là thứ lôgích tiềm tại, ẩn chìm trong ý thức xã hội, âm thầm chi phối ngôn ngữ, hành vi ngôn ngữ của con người. Nói đơn giản, diễn ngôn là cơ chế tiềm tại, ràng buộc con người trong hoàn cảnh xã hội lịch sử nhất định nên nói gì và nói như thế nào. Diễn ngôn ý thức hệ trở thành một thứ quyền lực vô hình tồn tại ở khắp nơi trói buộc tư duy của con người trong xã hội. Trong khi phản ánh thực tại và xác định tình thế ý thức hệ tạo nên sức mạnh giải thích bản chất xã hội bằng những lời cô đúc ngắn gọn nhất, có hiệu lực nhất.Ý thức hệ và diễn ngôn không tách rời nhau tạo thành cơ chế quyền lực của ý thức hệ.

Theo bốn chức năng trên thì chỉ có ý thức hệ mới có khả năng thoả mãn một cách tổng hợp mọi nhu cầu vật chất và tinh thần của con người, từ dục vọng, tình cảm, nhận thức, lí giải, lí tưởng đến thái độ, hành động, thực tiễn. Hiểu như thế ý thức hệ là nhân tố không thể thiếu trong đời sống xã hội của con người. Trong các hình thái ý thức xã hội, có hình thái ý thức có chức năng to lớn, mạnh mẽ, có hình thái ý thức mang chức năng nhỏ hơn, có hình thái ý thức nghiêng về thực hiện một chức năng nào đó, có hình thái ý thức thực hiện tất cả các chức năng. Ý thức hệ nào thực hiện các chức năng nền tảng, có quyền lực và sức ràng buộc lớn nhất thì được coi là ý thức hệ chủ lưu, chủ đạo.

Từ các chức năng trên ta có thể nhận ra sự phân biệt giữa tư tưởng, lí luận, sáng tác với ý thức hệ và những con đường hình thành của ý thức hệ.

Một là trở thành công cụ tư tưởng của giai cấp thống trị. Tư tưởng nho gia thời Tiên Tần, khi Khổng Tử đi du thuyết các nước chỉ là một trong mười gía và tuy cũng có ảnh hưởng nhất định, song vẫn chưa hề được coi là ý thức hệ chủ lưu. Phải đến thời Hán với Đổng Trọng Thư và chủ trương độc tôn nho học, nâng lên hàng “Ngũ Kinh”từ thời Hán Vũ đế, được đưa vào chương trình đào tạo, thi cử thì nó mới thành ý thức hệ chủ lưu. Nhưng đến đời Nguỵ Tấn, nho học suy đồi, huyền học lên ngôi thì nho học giảm sút hẳn tính chất ý thức hệ. Chủ nghĩa Darwin lúc đầu là một khoa học về quy luật tiến hoá của sinh vật, nhưng khi được sử dụng để biện minh cho nước mạnh thắng nước yếu, nước yếu muốn tồn tại thì phải tự cường, khi đó nó trở thành ý thức hệ. Khi viết Ý thức hệ Đức Marx không coi tư tưởng của mình là ý thức hệ, mà coi đó là một khoa học đối lập với ý thức hệ, “một sự trừu tượng mà chúng tôi dùng để đối lập với ý thức hệ.” Hầu như chỉ chủ nghĩa Mác ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây mới được coi là ý thức hệ, còn chủ nghĩa Mác ở phương Tây thì không được coi là ý thức hệ hoặc chỉ coi là “Mác học”, khoa học về Marx, chứ không phải là chủ nghĩa. Cũng vậy tư tưởng của Marx thời kì đầu (thời trẻ) có khi ở một số nước xã hội chủ nghĩa đã không được coi là ý thức hệ vô sản, ai vận dụng nó thì bị chụp cho cái mũ “chủ nghĩa xét lại hiện đại”, một đồng minh của ý thức hệ tư sản. Ở Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh thời kì đầu, khi Người đề cao tư tưởng dân tộc chưa được coi là ý thức hệ; từ Đề cương văn hoá của  Trường Chinh thì chủ nghĩa Mác ở Việt Nam mới được chính thức coi là ý thức hệ. E. Fromm chứng minh lí tưởng không phải là ý thức hệ nhưng có thể bị ý thức hệ hoá. Th. Geiger phân biệt lí luận với ý thức hệ. Do gắn với lợi ích của tầng lớp thống trị mà tri thức, tinh thần trở thành ý thức hệ như là hệ thống quyền lực, một thứ quyền uy, cấm kị, gắn với tâm lí ngưỡng mộ của đại đa số xã hội, được biến thành một thứ hợp lí, hợp pháp, phải đạo mà mọi người phải phục tùng, được truyền bá phổ biến trong nhà trường và trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng. Các tư tưởng một khi biến thành ý thức hệ thì không ai được tuỳ tiện bàn cãi, nếu nó chưa đến thời hoàn toàn rệu rã, rẫy chết. Chẳng hạn người ta chỉ có thể phê phán đạo Khổng vào thời mạt của nó, tức là thời cận đại, nhưng nói chung, lúc đó nó không còn đóng vai trò ý thức hệ xã hội nữa mà chỉ là một truyền thống văn hoá.

Thứ hai, do đáp ứng tâm lí, nguyện vọng của đông đảo công chúng mà trở thành ý thức hệ, chẳng hạn tôn giáo, tín ngưỡng. Và từ chỗ được đông đảo người tin theo mà giai cấp thống trị lợi dụng để biến thành ý thức hệ quan phương.

Thứ ba, do giá trị khoa học to lớn, làm thay đổi phương pháp tư duy của nhân loại mà được sử dụng trong thực tế, trở thành ý thức hệ, chẳng hạn như thuyết tiến hoá trong sinh vật, và thuyết tương đối trong vật lí học.

Từ các chức năng và con đường hình thành có thể nhận ra tính chất cơ bản của ý thức hệ như sau.

Mộttính chất thực tiễn, thực dụng, dùng để làm công cụ nhận thức hiện thực, tập hợp, phát động động hay ru ngủ quần chúng (như tư tưởng chính trị), quy phạm tư tưởng (như nho giáo…), khống chế tình cảm quần chúng (như tôn giáo…)…Với tính chất này, ý thức hệ không xem tri thức, tâm linh, lí tưởng là mục đích. Vì thế nói chung, ý thức hệ rất khinh bỉ tri thức khoa học nhất khoa học xã hội. E. Fromm phân biệt lí tưởng với ý thức hệ và cho biết, ý thức hệ thường sử dụng lí tưởng rồi sau đó phản bội lí tưởng; Th. Geiger phân biệt ý thức hệ với nhận thức lí thuyết. Lí thuyết là sự nhận thức thực tại, còn ý thức hệ thì chỉ dùng lí thuyết như công cụ của ý thức hệ. Với tính chất này ý hức hệ thường mâu thuẫn với nhận thức, chân lí.

Haitính chất quyền lực. Đặc trưng của ý thức hệ là tính quyền lực. Quyền lực không phải chỉ do giai cấp thống trị áp đặt mà còn do người ta tin theo. Chỉ áp đặt mà không được tin theo thực tế cũng không còn chức năng ý thức hệ đối với toàn xã hội. Những tư tưởng mà không còn sức ràng buộc, khống chế tư tưởng, tình cảm, hành vi con người thì không còn là ý thức hệ nữa, mặc dù trước đó nó từng là ý thức hệ.

Batính chất giản lược, giáo điều. Ý thức hệ do nhu cầu thực tiến, thực dụng mà thường đem tư tưởng, lí tưởng, quan niệm giản lược hoá thành công thức, mệnh đề, khẩu hiệu để dễ tuyên truyền, dễ nhớ và điều hành và do gắn với giai cấp thống trị cho nên thường bảo thủ, không muốn thay đổi. Những tư tưởng một khi đã thành ý thức hệ thì hầu như không còn điều kiện phát triển nữa và nhanh chóng biến thành giáo điều. Nhiều người phát hiện thấy nho giáo Việt Nam ngày xưa cũng như lí luận mác xít ở Việt Nam đều rất giản lược, mà không nói rõ vì sao. Theo tôi, lí do đơn giản là khi đưa vào Việt Nam, các tư tưởng ấy chỉ được dùng như là ý thức hệ và người ta không xem đó là những tri thức, tư tưởng và lí luận, cho nên không phát triển nó.

Xét về loại hình, trong thời đại ngày nay, căn cứ vào thực tế người ta chia ý thức hệ ra làm hai loại lớn. Một là ý thức hệ chính đảng, của đảng cầm quyền và hai là ý thức hệ chung, chỉnh thể của đông đảo dân chúng trong xã hội. Ý thức hệ của đảng cầm quyền hay còn gọi là ý thức hệ quan phương thường là một lí thuyết gắn bó với lợi ích của một tập đoàn người, một giai cấp nhất định, nhưng nội dung tri thức không nhất thiết phản ánh lợi ích giai cấp nào đó. Người ta đã nói đến ý thức hệ tự do chủ nghĩa, ý thức hệ bảo thủ, ý thức hệ dân chủ xã hội, từ ý thức hệ dân chủ xã hội chuyển thành ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, ý thức hệ chủ nghĩa dân tộc. Các ý thức hệ trên lại có các hệ “tân”, “cựu” khác nhau do có điều chỉnh chút ít và các đảng cầm quyền luôn luôn đổi thay điều chỉnh ý thức hệ của mình cho phù hợp với tình thế cụ thể.

Ý thức hệ chỉnh thể là hệ tư tưởng có tính quy phạm đến từ các nguồn khác nhau trong lĩnh vực tinh thần như khoa học, triết học, đạo đức, tôn giáo, phong tục tập quán, nghi thức ma chay, cưới xin, quan hệ, văn học nghệ thuật…có tác dụng quy phạm hành vi con người. Chẳng hạn, chủ nghĩa cá nhân, nói chung là lĩnh vực văn hoá mà Gramci chứng minh là có “quyền lãnh đạo”đời sống tinh thần, hành vi của con người (cultural hegemony, dịch là bá quyền không được thích hợp). Ý thức hệ chỉnh thể mang tính chất đa nguyên. Phật giáo, đạo gia, nho gia, thiên chúa giáo, hồi giáo…đều có tiếng nói ảnh hưởng đời sống.  Eagleton nhận định: “cái mà thuật ngữ ý thức hệ biểu đạt chính là quan hệ hay liên hệ giữa diễn ngôn và quyền lực”[5]

Xét theo chức năng, nguồn gốc, tính chất và loại hình của ý thức hệ như trên thì văn học là một hình thái ý thức xã hội, bởi nó có chức năng hình thành thế giới quan, nhân sinh quan cho con người như một hiện tượng văn hoá. Nhưng đó là một hình thái ý thức đặc biệt. Xét về loại hình thì văn học thuộc loại hình ý thức hệ chỉnh thể, có ý nghĩa như văn hoá nói chung, bởi nó tác động đến tất cả các mặt đời sống, đặc biệt là đời sống cá nhân, nhân cách, cá tính, tình cảm con người. Nhưng xét về chức năngtính chất của ý thức hệ thì văn học là hình thái ý thức xã hội ít tính chất ý thức hệ nhất, bởi nó không có tính chất thực tiễn, thực dụng, tính chất quyền lực, tính chất giản lược, giáo điều, bởi các tính chất này mâu thuẫn với tính chất thẩm mĩ.  Xét về sự hình thành thì văn học, do tính chất phong phú nhiều mặt tuy có tư tưởng song hầu như không thể trở thành công cụ tư tưởng của giai cấp thống trị như các công trình triết học, chính trị học. Văn học trở thành ý thức hệ là do nó đáp ứng nguyện vọng sâu kín của đông đảo nhân dân, giúp họ thay đổi nếp tư duy đối với cá nhân và xã hội.

Tính chất ý thức hệ của văn học thể hiện ở chỗ nó có nội dung ý thức hệ của riêng mình, đó là sự quan tâm đặc biệt đến thế giới tình cảm, tư tưởng, cảm xúc, số phận, sự sống, lí tưởng, khát vọng của con người; quan tâm đến thiên nhiên, cái đẹp, sự nghỉ ngơi, vui chơi, thưởng ngoạn của con người. Và từ chỗ đứng, cách nhìn riêng đó mà văn học thường xuyên đối diện với các hình thái ý thức xã hội khác, phán xét chúng theo nhãn quan của mình. Chính tính chất ý thức hệ riêng đó mà làm nên sức hấp dẫn không thể thay thế của văn học, bởi không một hình thái ý thức hệ nào khác quan tâm tới con người như văn học. Và do quan tâm con người mà nó đề cập tới nhiều vấn đề mà xã hội quan tâm. Các tác phẩm văn học nào xa lánh, né tránh vấn đề nhạy cảm của xã hội thì nói chung ít được công chúng để ý. Và do quan tâm con người mà văn học không ngại đụng chạm các vấn đề xã hội nhạy cảm, vượt qua quy phạm, cấm kị, đạo đức, tôn giáo. Không phải ngẫu nhiên mà vào các thời khắc xã hội có biến động lớn nhỏ, văn học thường tỏ rõ tính chất ý thức hệ mạnh mẽ hơn, có ý thức can dự vào các vấn đề nhạy cảm của xã hội hơn nhằm góp phần thay đổi tiến trình đời sống. Nói một cách khác, văn học bao giờ cũng “vị nhân sinh” với nội dung ý thức hệ rõ rệt của nó. Trong những lúc xã hội có biến động (cách mạng, chống ngoại xâm…) văn học thường có quan hệ mật thiết với ý thức hệ chính đảng, trở thành công cụ hoạt động chính trị của chính đảng đảm đương công cuộc cách mạng hay chống ngoại xâm. Trong điều kiện bình thường văn học có quan hệ nhiều mặt với ý thức hệ. Nó có thể có bộ phận gắn bó với ý thức hệ chủ lưu, chính đảng, có thể có bộ phận phê phán, chống đối hay quay lưng đối với một số mặt nhất định của ý thức hệ đó. Tinh thần phê phán thực tại của văn học có thể xung đột gay gắt với các ý thức hệ khác. Tính chất bất kham của văn học có thể làm suy yếu hoặc sụp đổ các ý thức hệ khác, thúc đẩy xã hội tiến bộ. Và theo chúng tôi, chỉ có các tác phẩm đủ lớn, thực sự đi sâu vào đông đảo quần chúng, có ảnh hưởng to lớn tới đời sống cộng đồng mới có giá trị ý thức hệ. Các tác phẩm hời hợt, vào hùa chỉ như ngọn lửa rơm, ít có giá trị ý thức hệ nghiêm chỉnh.

Như vậy, khi nói đến tính chất ý thức hệ của văn học cần xem xét các mặt nội dung, chức năng, tính chất, loại hình, con đường hình thành. Người ta không thể phủ nhận được tính chất ý thức hệ của văn học, nhưng cũng phải thấy tính đặc thù,  tính chất ý thức hệ mờ nhạt cũng như có lúc tính chất bất kham của nó  đối với các ý thức hệ khác.


[1] J. Culler. Literary Theory A Very Short Introduction. Bản dịch Trung văn của nxb Giáo dục Liêu Ninh, 1998.

[2] Quý Quảng Mậu. Sự chuyển biến của diễn ngôn và quan niệm văn học trong tầm nhìn của hình thái ý thức xã hội. Đại học Bắc Kinh xb. 2005.

 

         [3] C. Mác và F. ăng ghen, Hệ tư tưởng Đức, nxb Sự Thật, Hà Nội, 1962,

[4] Clifford Geertz. Giải thích văn hoá….

[5] Terry Eagleton. Lí luận văn học phương Tây thế kỉ 20, ĐHSP Thiểm Tây xb., 1986, tr. 263.

About lythuyetvanhoc

Bộ môn Lý luận văn học, khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm, Hà Nội
Bài này đã được đăng trong lý thuyết văn học, trần đình sử và được gắn thẻ , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này