Nhã Thuyên – Văn học thiếu nhi: Văn chương của sự nhẹ nhõm sâu xa

Lời giới thiệu: Như đã trình bày trong phần giới thiệu về weblog này, chúng tôi không chỉ muốn công bố những bài nghiên cứu, dịch thuật của các thành viên thuộc bộ môn Lý luận văn học, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Để trở thành một kênh tư liệu tham khảo hữu ích, chúng tôi còn muốn giới thiệu những bài viết của độc giả ở mọi nơi quan tâm đến văn học, không câu nệ học hàm, học vị. Bài viết dưới đây của bạn Nhã Thuyên, nguyên là sinh viên của khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm, là một sự ủng hộ đối với trang web này. Trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn. Và rất mong sẽ nhận được nhiều hơn sự hưởng ứng của các bạn khác.

*

1

Văn học thiếu nhi: Cầu nối hai thế giới

Tôi muốn bắt đầu bằng một câu hỏi, đơn giản mà không dễ trả lời gọn gàng, nhưng có lẽ cần thiết với người viết Việt Nam hôm nay: Thế nào là văn học thiếu nhi? Những cuốn sách viết cho trẻ em hoặc bởi trẻ em? Những cuốn sách cho trẻ em được đọc, thậm chí chỉ được đọc bởi người lớn hoặc những cuốn sách cho người lớn vẫn được trẻ em say mê tiếp nhận có là văn học thiếu nhi? Khi văn học thiếu nhi trở thành một lĩnh vực chuyên biệt, nó hiển nhiên cần hình thành lý thuyết sáng tạo và tiếp nhận tương ứng và điều này cần cho người viết ở một mức độ nào đó, đặc biệt là những hiểu biết về thể loại hay thị hiếu tiếp nhận, v.v…Tuy nhiên, dù nhiều trường đại học trên thế giới có khoa nghiên cứu riêng, hình thành dần hệ thống lý thuyết về văn học thiếu nhi, thì có lẽ đây vẫn đang là một ngành non trẻ, bắt đầu khoảng từ những thập kỉ cuối của thế kỉ XX.

Dễ thấy rằng, văn học thiếu nhi không phải bày sẵn ra dưới mác “văn học” nói chung để độc giả trẻ em tự do lựa chọn mà liên quan chặt chẽ đến “người lựa chọn” tác phẩm cho trẻ em: thường là nhà giáo dục, tổ chức xuất bản, người sáng tác, biên soạn. Trẻ em không phải là kẻ “tự lựa chọn” mà “được dẫn dụ”, nghĩa là sản phẩm văn học đến tay trẻ em đã lọc qua lăng kính giá trị của người sáng tạo và tuyển chọn. Điều này là tất nhiên và không hề “quá nguy hiểm”, bởi trẻ em chưa định vị độc lập sự lựa chọn của mình. Do đó, trong văn học thiếu nhi, trước hết, “người lớn” chính là cầu nối cho sự lựa chọn của trẻ em. Quan hệ giao tiếp đặc thù người lớn – trẻ em có thể hình dung như sau:

Cụ thể hơn, văn học thiếu nhi là nỗ lực đáp ứng và thích ứng với nhu cầu, khả năng của trẻ em. Thông qua sự lựa chọn ngôn ngữ, vấn đề, hình thức, phong cách… tương ứng với từng độ tuổi phát triển, cũng như với yêu cầu về mức phát triển của chúng, văn học thiếu nhi nỗ lực nối khoảng cách giữa những kẻ, mà sự xa cách về tuổi tác và kinh nghiệm, tâm lý, trình độ ngôn ngữ… có thể khiến họ trở thành những “tâm hồn xa lạ”. Có thể hình dung văn học thiếu nhi như một cây cầu, mà ở phía này, khi đã cách xa điểm khởi đầu, người lớn bắt đầu nhìn lại và, hoặc thèm muốn trở lại điểm xuất phát – một ham muốn bất khả thực hiện trong thực tế, hoặc khao khát được thấu hiểu những đứa trẻ ở đầu kia đang bắt đầu hành trình như chính mình đã từng ở thời điểm bắt đầu đó, hoặc nỗ lực (một – nỗ – lực – từ – xa) muốn hối thúc những đứa trẻ tiến nhanh về phía con đường người lớn đang đi…Càng khác biệt, hai đối tượng này càng khó chia sẻ, thấu hiểu, và thậm chí không chấp nhận được nhau: chú bé Peter Pan đã lựa chọn việc KHÔNG BAO GIỜ LỚN để mãi mãi biết bay, và ngược lại, những người lớn – cùng với điều kiện xã hội quy định họ – đã “ép” cậu bé lên ba không nói không cười phải lập tức thành tráng sĩ.

Như vậy thì phải chăng ý nghĩa gốc rễ của văn học thiếu nhi chính là ở chỗ đó: sáng tạo ra một thế giới làm cầu nối giữa người lớn – trẻ em. Một điều đã rõ ràng hơn: trong thế giới văn học thiếu nhi, tác giả người lớn giả định mình hướng tới độc giả là trẻ em, và người đọc văn học thiếu nhi (bất kể là người lớn hay trẻ em) cũng ngầm được/tự giả định rằng mình là độc giả – trẻ em tương thích.

Tuy nhiên, chức năng gốc rễ này chỉ thực sự đúng với mảng văn học thiếu nhi như một lĩnh vực chuyên biệt. Quan hệ giao tiếp đặc thù này chắc chắn đã không được xác định ngay từ đầu: những tác phẩm ngày nay vẫn được trẻ em say mê ban đầu được viết cho người lớn, hoặc hướng đến cả người lớn lẫn trẻ em (được coi như những “người lớn nhỏ”): Robinson, Gullive du kí. .., Peter Pan cũng được coi như một ví dụ điển hình về việc văn chương hướng đến “địa chỉ đôi” (double address): cả người lớn và trẻ em. Không kể đến nguồn truyện dân gian, huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích… vốn gắn với thời thơ ấu của loài người và do đó dễ dàng được lựa chọn cho trẻ em và được trẻ em yêu thích như nguồn văn học đầu tiên, văn học thiếu nhi với “địa chỉ đơn” (single address) là thiếu nhi chỉ được hình thành, theo các nhà nghiên cứu, từ đầu thế kỉ XX, mà “điềm báo” là cuốn sách nổi tiếng của Carroll: Alice’s Adventures in Wonderland (1865) (Alice ở xứ sở diệu kì). Cho đến nay, nói đến văn học thiếu nhi với tác giả ngầm ẩn và độc giả ngầm ẩn lý tưởng của nó, chính là nói đến mảng văn chương đặc thù này. Những đòi hỏi về phẩm chất văn chương, sự tương thích về ngôn ngữ, chủ đề, phong cách… cũng phải ứng với tính chất đặc thù của nó, cho dù những tác phẩm thiếu nhi tuyệt diệu nhất vẫn cứ được đọc bởi người lớn, hay những người cao tuổi nhất. Thực tế, hành trình của một con người không bao giờ đơn giản là hành trình của sự rời bỏ tuyệt đối, nó là hành trình đi xa khỏi cái thế giới ban đầu mà thôi. (Và do đó, câu hỏi vì sao người lớn đọc văn học thiếu nhi: để “kể con nghe” hay vì chính nhu cầu của họ… vẫn là câu hỏi thú vị cần được lý giải, nhưng không phải trong phạm vi bài viết này)

Trở lại, ý nghĩa của khoa nghiên cứu văn học thiếu nhi – chỉ nói riêng với người sáng tác nằm ở đâu? Có thể thấy, hiểu mối quan hệ đặc thù của người lớn và trẻ em trong thế giới văn học thiếu nhi, và sự biến đổi liên tục theo điều kiện xã hội lịch sử, sẽ tránh được cái tai họa của nghề viết: người viết cho thiếu nhi nghĩ mình đang “ban ơn” và “dạy bảo” trẻ em hay cố gắng “cưa sừng làm nghé”; thực chất, họ viết cho một quá khứ đã rời xa họ, một mơ mộng về tương lai sẽ đến của những đứa trẻ – một tương lai mỗi lúc sự đòi hỏi lại khác đi và cao hơn, và viết, để rắc những hạt vừng đánh dấu con đường họ đang đi xa khỏi.

Nghiên cứu văn học thiếu nhi không tác động trực tiếp tới trẻ em mà tới những người lựa chọn dẫn dụ trẻ em. Lối tiếp cận đơn giản hóa văn học, văn hóa thiếu nhi, coi là không đáng bỏ công hoặc chỉ như một sự cần thiết “vừa phải” làm hạn chế ý nghĩa của việc nghiên cứu và sáng tác. Hiện nay, các nhà nghiên cứu văn học – văn hóa thiếu nhi, giới xuất bản, thường đồng thời là các nhà giáo dục hoặc có trách nhiệm giáo dục, các nhà sáng tác – được coi là nhà giáo dục “bẩm sinh”  trong lĩnh vực này chắc chắn đã và đang phải đối mặt với hàng loạt các câu hỏi về sáng tác, tiếp nhận…. Những mô tả đơn giản về văn học thiếu nhi theo tiến trình thời gian sẽ là không đủ. Nhiều cách tiếp cận đi xa và sâu hơn, bởi văn học thiếu nhi không thể là một lĩnh vực biệt lập với những vấn đề văn hóa, giáo dục, xã hội khác liên quan tới thiếu nhi: nghiên cứu thi pháp ( như các motive và chủ đề), nghiên cứu cơ chế hình ảnh, biểu tượng, nghiên cứu thể loại, nghiên cứu liên ngành, tiếp cận liên văn bản, nghiên cứu quá trình dịch văn học thiếu nhi, sự tương tác văn chương và các loại hình truyền thông đa phương tiện, nghiên cứu phản ứng của người đọc… Văn học thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay vẫn đang là một mảng đất vỡ hoang và chưa được giảng dạy, nghiên cứu như một phân môn của khoa Ngữ Văn các trường đại học. Nhưng chính sự bộn bề cũng như thiếu thốn nhiều mặt của các vấn đề chưa được giải quyết lại có những điểm hấp dẫn người nghiên cứu và là những gợi ý thiết thực cho người viết ở Việt Nam vốn chưa thực sự nắm bắt được những biến đổi của nó trong lịch sử văn chương, cũng như thị trường văn học thiếu nhi Việt Nam vẫn chưa hình thành một cách chuyên biệt, và người viết “theo bản năng” vẫn là chủ yếu. Khi thiếu sự suy tư về bút pháp và ý tưởng nhân sinh, thì ngoại trừ những người viết đặc biệt nhạy cảm với đời sống trẻ thơ (của chính họ), sẽ không thể có những người viết chuyên biệt hoặc sẽ rơi vào tình trạng “ăn bám” thời thơ ấu của mình, và cạn kiệt.

2. Hoàng Tử Bé: Văn chương của sự nhẹ nhõm sâu xa

Sự vững bền trong thế giới toàn cầu

Cuốn truyện mỏng manh Hoàng tử bé (tên tiếng Pháp: Le Petit Prince), (xuất bản năm 1943 tại Mĩ), tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn và phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry với minh họa của chính tác giả, trong thế giới đang ngập tràn các sản phẩm của ngành công nghiệp giải trí Mĩ vẫn là một bài thơ quyến rũ. Cuộc du hành từ tinh cầu này sang tinh cầu khác nhẹ như cánh hồng của hoàng tử bé có thể được đọc như một hành trình xuyên biên giới văn hóa, một tưởng tượng về “vũ trụ thân thiện”. Quả tình, không gì ngăn trở được trí tưởng tượng: khi vũ trụ quá rộng lớn, trẻ em biết cách “thu nhỏ” chúng lại. Hoàng tử bé đi thăm 6 tiểu tinh cầu và Trái Đất, mang theo bức vẽ con cừu để trở về chăm sóc tiểu tinh cầu của mình, cạo khói núi lửa, mong nhổ hết các cây bao báp xói đục hành tinh, ngắm mặt trời lặn, và yêu thương bông hồng duy nhất và đẹp nhất của mình (dù Trái Đất có vạn vạn bông hồng như vậy). Hoàng tử bé trở thành một sứ giả tình yêu, cụ thể hóa trong cuộc hội ngộ và chia ly của hoàng tử bé và một – người – đã – từng – là – một – đứa – trẻ dần trở thành người lớn nơi sa mạc Sahara. Ở ý nghĩa rộng hơn, hoàng tử bé còn là một sứ giả hòa bình: kết nối tiểu tinh cầu B612 và các tinh cầu khác, đặc biệt, với Trái Đất. Đặc biệt, cuốn sách là một sự thơ mộng vượt lên bối cảnh hỗn loạn của chiến sự thế giới lúc đó nhưng không xa lạ với bối cảnh mà ẩn dụ trong tác phẩm là những cây bao báp. Ngay lời đề tặng, tác giả đã “xin lỗi các em bé vì đề tặng cuốn sách này cho một người lớn”, một trong các lí do là “người lớn này đang chịu đói và rét ở nước Pháp”, một người lớn “cần được an ủi”. Trong cuốn sách, người kể chuyện – người phi công bị mắc kẹt trên sa mạc – đã muốn kể lại cuộc gặp kì lạ của mình với hoàng tử bé “như một câu chuyện thần tiên” nhưng không muốn người ta đọc cuốn sách này một cách hời hợt. Ở đây, các thế giới khác nhau tìm cách xích lại gần nhau chứ không xung đột và hủy diệt, như sự xung đột càng lúc càng nặng nề giữa thế giới phù thủy và dân muggle – những người không phép thuật trong Harry Potter. Chọn một lối đi hẹp và một câu chuyện tưởng như chỉ là của cá nhân, Hoàng tử bé đã cho chúng ta hiểu giá trị của văn chương nằm ở tầng sâu thẳm của nhận thức về nhân sinh, về tình yêu, tình bạn, ý nghĩa của tồn tại… băng qua khác biệt điều kiện sống và những biến đổi chóng mặt của thế giới vật chất hiện nay. Bởi sự phổ quát của chủ đề và hình ảnh mang tính nhân loại, những khát vọng muôn thuở về tình yêu, tình bạn…, Hoàng tử bé, vượt qua mọi sự chuyển dịch, qua 160 ngôn ngữ trên thế giới nhưng có lẽ không gây ra sự xa lạ ở bất cứ quốc gia nào.

Cuộc du hành của hoàng tử bé được thực hiện bằng một mô hình vũ trụ thu nhỏ trong tưởng tượng, thì nay, hình như trẻ em có thể thực hiện cuộc phiêu lưu “có thật” bằng những sản phẩm thương mại trên thị trường văn hóa quốc tế: đồ ăn nhanh Mc Donald, đồ chơi toàn cầu và phim ảnh…  Sau giai đoạn khôi phục hậu quả của chiến tranh thế giới thứ hai, sự phát triển nhảy vọt của các nước Âu Mĩ dẫn đến những biến đổi quan trọng của đời sống văn hóa trẻ em. Các nhà làm sách nhạy bén trở thành một quyền lực lớn trong quá trình chọn lựa ấn phẩm cho trẻ em – những cuốn sách có khả năng thành hàng hóa cao nhất sẽ nổi bật nhất, kèm theo vô số những “biến thể” trên phim ảnh, chewing gum, đồ chơi….Trẻ em trở thành những nhà tiêu dùng nhỏ tuổi, bị cuốn vào làn sóng thương mại hóa và quốc tế hóa. Thị hiếu đọc và cách thức tiếp cận cũng thay đổi: những cuốn sách lên mản ảnh được tiếp nhận rộng rãi hơn, và tác phẩm của Astrid Lindgren[1] chẳng hạn, chắc chắn không thể phổ biến bằng những tác phẩm được dựng thành phim. Thị hiếu đọc của trẻ em đã không phải chỉ là vấn đề “tự nó”, không phải chuyện có thể khảo sát chính xác bằng những điều tra từ một phía người đọc trẻ em, bởi nó còn liên quan đến một dây chuyền sản xuất – xuất bản – tiếp thị/đánh giá bởi tác giả, nhà xuất bản, nhà giáo dục, nhà phê bình, công nghệ quảng cáo v.v…Trong không gian đó, nhiều hiện tượng cần có sự cân nhắc cẩn trọng về độ “nóng” của nó trên thị trường và những phẩm chất văn chương thực sự với những khảo sát và phân tích cụ thể chứ không phải “ăn theo” đánh giá bên ngoài. Bởi tương ứng với điều kiện văn hóa xã hội của các nước khác nhau, độ “nóng” của các hiện tượng này cũng khác nhau. Một ví dụ, hiện tượng toàn cầu Harry Potter có thật sự là cơn sốt ở Việt Nam không và được các em tiếp nhận như thế nào? Những giá trị của nó thực sự là gì?

Các nhà nghiên cứu rồi đây sẽ phân tích và miêu tả chính xác hơn ngữ cảnh của sự chuyển dịch này cùng những nhân tố liên quan. Nhưng với người viết, ngữ cảnh đó vừa gài sẵn nguy hiểm vừa khơi gợi những cơ hội mới. Liệu người viết có thể giữ được một cảm quan thẩm mĩ độc lập, gắn với văn hóa của vùng miền, lãnh thổ, quốc gia cùng những suy tư độc lập về các vấn đề của đất nước mình và của thế giới trong thời đại đa văn hóa như hiện nay? Một ví dụ cần được nghiên cứu kĩ lưỡng hơn là sự tác động của sách dịch văn chương thiếu nhi ở Việt Nam thời gian qua. Một lượng sách lớn và hấp dẫn, cả kinh điển lẫn đương đại không thể không khiến người viết cho thiếu nhi Việt Nam lưu tâm. Bởi cái thiếu mà sách dịch, dù rất giàu có và hấp dẫn, vẫn không sao bù lấp được hoàn toàn chính là sự khác biệt văn hóa và điều kiện sống. Do đó, người chọn lọc sách cho độc giả nhí cũng hoang mang. Đó là chưa nói đến khoảng cách về tâm lý tiếp nhận giữa người chọn sách và độc giả thực sự (trẻ em): trẻ em dễ dàng thích ứng với cái đang diễn ra hơn những người lớn, những người đã dần mất đi sự nhạy bén và linh hoạt với những biến đổi của thế giới trẻ em. Nhiều người viết, bởi không quen tiếp nhận sách nước ngoài, rơi vào tình trạng “không thể đọc” sách dịch, nhiều người lại có thể dễ dàng bị cuốn theo…Nhưng dù các sách ăn khách không phải là hình mẫu để bắt chước, trước hết, nó đem lại sự sống động và kích thích người viết ở Việt Nam tìm một hướng tiếp cận và khai phá thị trường văn chương rộng lớn và quan trọng này. Không thể viết như cũ, nhưng bắt đầu viết như thế nào, học viết cho trẻ em như thế nào?

Ý nghĩa của nơi chốn

Với văn chương thiếu nhi, việc tạo dựng một cảnh quan (landscape) là hết sức quan trọng, và khó khăn. Đó chính là tạo dựng một thế giới khác, hay đúng hơn, là nhìn thế giới bằng con mắt khác để khơi mở trí tưởng và sự tự do. Những hình ảnh wonderland, never land, thế giới phù thủy, xứ Narnia tưởng tượng… xuất hiện với ý nghĩa đó.

Khó có thể xếp Hoàng tử bé vào hẳn một thể loại, như fantasy, trường hợp Biên niên sử Narnia (Chronicles of Narnia – C.S.Lewis ) hay Chúa tể những chiếc nhẫn( The Lords of the Rings – J.R.R Tolkien) trong đó, tác giả kì công xây dựng một thế giới thứ hai. Điều đặc biệt của không gian Hoàng tử bé chính là tạo dựng một mô hình thu nhỏ của vũ trụ nhưng không xa lạ. Ở 6 hành tinh hoàng tử bé đi qua, vẫn là những con người của Trái Đất: một ông vua ra những mệnh lệnh hợp lý, gã khoác lác cô đơn muốn được tụng ca, bợm nhậu uống rượu để quên đi nỗi xấu hổ vì uống rượu, nhà doanh nghiệp ngồi tính toán các vì sao, người đốt đèn, nhà địa lý không bao giờ rời khỏi bàn làm việc với những bản đồ…. Không gian vũ trụ ở đây cũng là những không gian con người – Trái Đất, và mỗi tiểu hành tinh mà hoàng tử bé đặt chân lên trở thành những hình ảnh có tính biểu tượng và gợi mở về những kiểu người lớn khác nhau. Chỉ đến khi đến Trái Đất, hoàng tử bé mới gặp được người bạn thực sự.

Ở đây đặt ra vấn đề ý nghĩa của nơi chốn: việc chọn một nơi chốn sẽ quyết định cảm giác xa lạ hay thân quen, kì bí hay chân thực, một không gian quốc tế hay có tính đặc thù… Nơi chốn luôn hàm chứa ý nghĩa văn hóa. Nó ẩn chứa Bí Mật, và thường được khám phá bằng Phiêu Lưu. Mô hình không gian và sự phiêu lưu chính là một nguyên lý cốt lõi của “trò chơi”, điều mà bất cứ đứa trẻ nào cũng tham dự. Dễ hiểu vì sao các nhân vật của truyện trẻ em thường “bước qua nhiều thế giới”. Hoàng tử bé vượt ra ngoài đường biên của các thể loại: vừa như một hồi ức hoang đường gắn với những chi tiết trong cuộc đời thực của tác giả, vừa như một “truyện thần tiên”, vừa như một fantasy mơ mộng mà không chỉ thuần túy đem lại niềm vui giải trí và sự lãng mạn nhằm cân bằng lại đời sống tinh thần trong thời đại kĩ trị nhiều áp lực và bất ổn… Cũng là bước qua nhiều thế giới nhưng là bước chân không cố tình với các thủ pháp, mà với niềm tin tự thân vào thế giới thơ trẻ. Nơi mọi điều có thể diễn ra. Đây là cuốn sách của một người lớn biết nhìn thế giới bằng con mắt và tình yêu của đứa trẻ, và có những điều chỉ được nhận ra “bằng trái tim”, như lời trò chuyện trong sách. Khác biệt với các hoàng tử – chức năng của cổ tích là hoàng tử bé: một “tình nhân” của bông hồng, một thi sĩ, một nhà thám hiểm, một người bạn của người lớn, con cáo, con rắn và cả những ngôi sao…

Nhìn vào văn học Việt Nam sẽ thấy, rất ít tác phẩm cho thiếu nhi tạo dựng được không gian kì ảo, một phần bởi ở Việt Nam, truyền thống thể loại fantasy, một thể loại đặc thù và quan trọng của văn học thiếu nhi không có, và cũng mới bắt đầu được giới thiệu. Tuy nhiên, những cuốn sách của Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Nguyễn Nhật Ánh, và gần đây, Nguyễn Ngọc Thuần…đã tạo dựng được không gian riêng. Người viết cho trẻ em rõ ràng phải học cách kể chuyện, học cách nhìn thế giới ở một khoảng xa, một logic khác, tạo dựng một không gian khác.

Sự nhẹ nhõm sâu xa

Sự biến mất không để lại bất cứ dấu vết thân thể nào của hoàng tử bé có thể được đọc như một biến thể của chủ đề cái chết, một từ nặng nề với trẻ em. Nếu như trong truyện dân gian hay truyện cổ tích của Andersen, cái chết có thể mang tính cảnh báo, hoặc báo hiệu sự hóa kiếp (ví dụ motive hóa thân của cô Tấm), hoặc là sự lựa chọn (Cô bé bán diêm, Nàng tiên cá…) thì  đây là chủ đề từng bị ngăn trở trong văn chương, khi những tiến bộ thần kì về dược phẩm làm giảm tỉ lệ trẻ em chết yểu, như các nhà nghiên cứu trên thế giới chỉ ra. Suốt một thời gian dài, từ nửa cuối thế kỉ XIX đến nửa đầu thế kỉ XX, văn chương thiếu nhi hướng đến sự “trong, sáng”, không chết chóc, bệnh tật, cơ cực, không tâm trạng quá độ… Đến nửa sau thế kỉ XX, bối cảnh xã hội thời hậu chiến dẫn đến sự phản ứng lại những cấm kị xã hội về chủ đề để hướng tới một thứ văn chương thiếu nhi “hiện thực” hơn và không né tránh. Ở vấn đề này, việc nghiên cứu motive và chủ đề trong sự so sánh các nền văn hóa, các giai đoạn lịch sử của văn chương thiếu nhi thế giới qua các tác phẩm cụ thể sẽ đưa lại những hiểu biết về sự đòi hỏi của văn hóa, lịch sử của các thời kì khác nhau. Cái chết trong văn chương thiếu nhi không chỉ là một yếu tố kĩ thuật thể loại (chẳng hạn, cái chết trong văn chương fantasy hay truyện thần tiên dân gian có thể giúp nhân vật vượt qua không gian và thời gian) mà là một chủ đề văn hóa, được tái hiện khác nhau và được chấp nhận/không chấp nhận về tâm lý trong những nền văn hóa khác nhau ở từng thời kì. Rất dễ hiểu khi trẻ em thường không chịu để nhân vật chết, và đòi một phiên bản mới, hay người kể chuyện “không đành lòng” nên “bịa” một kết thúc mới cho các câu chuyện. Đó không phải chỉ là một thôi thúc về sáng tạo, mà nhiều khi chính là sự thôi thúc về mặt tâm lý. Cũng vậy, nhiều độc giả bật khóc khi hoàng tử bé biến mất

Trong một liên tưởng, sự biến mất của hoàng tử bé cũng như Peter Pan của Barrie không bao giờ lớn. Nó là cách thức để giữ được sự bất tử có tính biểu tượng, một cách vô hiệu hóa sự ăn mòn và bao phủ của thời gian, làm nên nỗi lưu luyến không dứt với cái huyền diệu – một phần trầm tích trong mỗi con người. Nhưng sự xuất hiện và biến mất đầy tính triết lí này được kể lại theo cách thức nhẹ nhõm thơ mộng, triết lí nhưng không gây cảm giác lên gân già cỗi. Trái lại, nó gợi mở suy tư về cuộc sống thực sự của con người. Chúng ta đến thế giới này, được sinh ra trong thế giới này không phải để tìm cách sở hữu bất cứ điều gì, không phải để sở hữu một thân – xác – vĩnh – cửu – của – ta, mà để lại trong trái tim một – người – bạn những tiếng cười lanh canh vô tận như tiếng chuông ngân trong hàng vạn vạn ngôi sao, để lại một “khung cảnh đẹp nhất và buồn nhất thế gian”. Sự biến mất của hoàng tử bé cũng bí ẩn và nhẹ nhàng như sự mất tích của tác giả Antoine de Saint-Exupéry ở tuổi 44.

Đòi hỏi cốt yếu với văn chương thiếu nhi rõ ràng không phải chỉ là tìm cách kế vài ba câu chuyện vui đùa về sự nghịch ngợm quái chiêu của trẻ. Phạm vi của nó rộng mở hơn nhiều. Hướng đến sự trong, sáng không phải là giản lược hóa vấn đề, mà chính là hướng đến sự nhẹ nhõm sâu xa, của suy tư, của văn phong…mà những cuốn sách như Hoàng tử bé, hay một cuốn sách vừa được dịch ở Việt Nam của I.Calvino, Nam tước trên cây (Vũ Ngọc Thăng dịch, NXB Văn học và công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam, 2009) đạt tới. Không có gì là áp đặt và cố định ở các tiêu chí văn chương, cũng như không thể nào đứt dây với thời đại và văn hóa mà nó sống với. Việc “giáo dục” trẻ em cũng vậy, không phải là “đưa ra các bài học giáo dục” mà là tìm kiếm một triết lí về giáo dục, như J.J. Rousseau đã đặt ra từ thế kỉ XVIII. Sự nhẹ nhõm sâu xa là một phẩm chất đẹp đẽ mà văn chương, nhất là văn chương thiếu nhi khao khát đạt tới.

Ở Việt Nam, đã đến lúc những người quan tâm đến văn chương thiếu nhi thoát hoàn toàn sự lệ thuộc vào “mẫu hình con người xã hội chủ nghĩa”, dù không ai phủ nhận những tác phẩm thiếu nhi còn lại đến ngày nay vẫn có ý nghĩa tác động đến sự hình thành nhân cách thiếu nhi. Trẻ em không muốn mình là người lớn nhỏ tuổi, khô cứng và nặng nhọc. Cho nên, theo thiển nghĩ của cá nhân tôi, mà bài viết này là một quan sát ban đầu từ góc độ người đọc và sự tự nhận thức của người viết, không nên quá thất vọng về việc văn chương thiếu nhi Việt Nam hiện nay không gây tác động đến trẻ em như giai đoạn trước; hay đúng hơn, sự thất vọng chỉ là một điểm khởi đầu cho những suy nghĩ và công việc phải làm. Loại bỏ áp lực của văn chương bao cấp tư tưởng, sùng bái các anh hùng và các bài học đạo đức nghiêm trọng để khám phá những đòi hỏi mới về phẩm chất tư duy, tưởng tượng của trẻ em, gắn với văn hóa đất nước và những áp lực mới của giai đoạn “toàn cầu hóa” có lẽ là một viễn cảnh lớn, nhưng có thể là khởi sự của một hi vọng.

11.09.2009

Bài viết tham dự hội thảo về văn học thiếu nhi “Những ảnh hưởng của văn học thiếu nhi đến sự phát triển nhân cách trẻ em trong thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế” do Trung tâm Văn học Trẻ em – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức., tháng 9-2009


[1]  Astrid Lindgren, nhà văn thiếu nhi nổi tiếng của Thụy Điển. Một số tác phẩm vừa được dịch ra tiếng Việt: Pippi tất dài, Karlson trên mái nhà…

About lythuyetvanhoc

Bộ môn Lý luận văn học, khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm, Hà Nội
Bài này đã được đăng trong nhã thuyên, phê bình văn học, văn học phương tây và được gắn thẻ , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

2 Responses to Nhã Thuyên – Văn học thiếu nhi: Văn chương của sự nhẹ nhõm sâu xa

  1. na nói:

    bai viet that su rat hay va co y nghia

  2. na nói:

    toi co mot cau hoi muon hoi:la ban co nhan xet gi ve dung luong cua vav hoc thieu nhi ngay nay.va vi sao lai nhu the?

Bình luận về bài viết này