Lê Trà My – Võ Phiến và văn hóa dân tộc

   Văn học miền Nam những năm sáu mươi đầu bảy mươi của thế kỉ XX, trong những điều kiện lịch sử đặc biệt, đã đánh dấu sự nở rộ của những tác phẩm có tính chất tuỳ bút, bút kí của nhiều tác giả như Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Mộng Long, Tạ Tỵ, Sơn Nam, Thế Uyên, Phan Lạc Tiếp, Nguyễn Xuân Hoàng… Trong số này, cái tên Võ Phiến nổi lên với nhiều tuỳ bút, tiểu luận, tạp luận (các tập Thư nhà, Aỏ ảnh, Phù thế, Tạp bút I, II, III, Tạp luận, Đất nước quê hương…). Ngoài những bài có tính chất khảo cứu, bình luận chính trị, phần lớn những sáng tác này có thể quy về thể loại tản văn (một cách gọi tên thể loại mà thời đó hầu như ít được dùng). Với những tác phẩm đó, Võ Phiến được coi là một cây bút tản văn tiêu biểu của văn học miền Nam những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỉ XX.

Đặt tản văn Võ Phiến trong cả thời kỳ văn học lớn 1945 – 1975 thấy đây là một hiện tượng khá đặc biệt. Đặc biệt bởi trong hoàn cảnh chiến tranh, chia cắt, khi người ta bị cuốn vào cơn binh lửa, những biến động chính trị lớn lao bứt con người ra khỏi những riêng tư, ra khỏi sự an tại của đời sống thường nhật, thì tản văn Võ Phiến lại kéo người ta trở về với nhịp sống bình yên trong những sinh hoạt hàng ngày như cái ăn, cái mặc, chốn ở, câu nói, điệu hò… nghĩa là những gì đời thường muôn thuở. Đặc biệt bởi trong sự bủa vây của rất nhiều đề tài, nhất là những đề tài nhức nhối trong văn học miền Nam như số phận, nỗi đau của chiến binh tham chiến, sự bế tắc hay sự phá phách của con người trước thực tại, lối sống sa đoạ của thanh niên trong lòng đô thị miền Nam… tản văn Võ Phiến lại có xu hướng tìm về những nét văn hoá thuần phác, mộc mạc, lâu đời được lưu giữ trong nhân gian. Tác phẩm của Võ Phiến như những nốt nhạc trong vắt và tha thiết bắt vào điệu hồn dân dã, bền lâu của quê hương xứ sở.

Tản văn Võ Phiến cùng với nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn của Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc… có xu hướng tái hiện những tập tục sinh hoạt mang tính văn hoá, lưu giữ những vẻ đẹp của cảnh sắc và con người trên những miền quê nhất là vùng Trung, Nam bộ. Sáng tác của Võ Phiến cũng có những nét gần gũi với sáng tác của một số tác giả miền Bắc di cư vào Nam như Mai Thảo, Vũ Bằng, Phạm Duy, Tạ Tỵ, Thanh Tâm Tuyền… trong nỗi hoài nhớ về những nét đẹp đẽ, thân thương của quê mẹ. Nhìn chung trong dòng chảy những sáng tác nghiêng về tính chất sinh hoạt-phong tục, đề cao bản sắc văn hoá dân tộc, tản văn Võ Phiến góp một tiếng nói riêng rất duyên dáng và sâu sắc, tạo được một mạch ngầm thu hút bất kỳ ai sẵn có trong lòng một sự gắn bó sâu bền và máu thịt với đất nước quê hương. Có thể coi tản văn Võ Phiến như một hiện thân của những di sản tinh thần quý báu của người dân đất Việt, nó lưu giữ một điều không thể mất qua rất nhiều những biến động kinh hoàng của thời đại: hồn dân tộc.

Sinh ra và lớn lên ở Bình Định, gắn bó nhiều với giải đất từ miền Trung trở vào Nam, tâm hồn Võ Phiến nương vào đất đai sông núi con người nơi đây để tìm đến những đề tài, những cách tiếp cận đời sống ở những điều bình dị và thuần hậu nhất. Đề tài trong tản văn Võ Phiến tương đối phong phú, một phần do sức chứa , sức dung nạp đề tài ở thể loại này khá rộng lớn, mặt khác trong cuộc sống không bằng lặng của mình, nhiều điều nhà văn thực sự sống và trải nghiệm đều đã vang động vào trang sách. Ngoài những tác phẩm đề cập các vấn đề có tính thời sự, trình bày những thiên kiến chính trị nhất thời, phần lớn những vấn đề ngòi bút Võ Phiến chạm tới là những khía cạnh mang tính văn hóa của cuộc sống như sinh hoạt dân gian, tiếng nói dân tộc, văn chương chữ nghĩa… Có thể đó chỉ là những điều thường ngày vẫn đều đặn diễn ra, rất bình thường nhưng không thể thiếu để con người tồn tại như: chuyện ăn uống (bánh tráng Bình Định, chè Huế, phở, nước mắm…), chuyện trang phục (áo dài), chuyện ở (làm nhà, kiểu nhà, di dân…), chuyện sinh kế (bắt cá, chạy xe, bán hàng ăn…), nhất là phương thức giao tiếp mang dấu vết đặc trưng của mỗi vùng miền: tiếng nói (tiếng Huế, cách nói của người miền Nam…). Những thói quen, những tập tục sinh hoạt của cư dân các vùng miền đi vào tản văn Võ Phiến như những mảng màu kết dệt nên bức tranh đời sống đa dạng. Khi ông viết về cách địu con của phụ nữ vùng cao, cách xưng danh của người đàn ông thượng du, hay việc chợ búa, việc cúng giỗ ông bà… người ta đều thấy đằng sau đó là cả một nếp sống được hình thành từ rất lâu đời của một cộng đồng văn hoá. Ông hướng ngòi bút vào những đề tài đó bằng sự chiêm ngắm của một nghệ sỹ thưởng thức chính sự sống của mình, của đất nước mình. Đọc tản văn Võ Phiến như thấy hiện lên sống động những con người cụ thể đi lại, nói cười, hát hò, ăn uống, yêu nhau, thương nhau… Đó không chỉ là những hành xử mang tính người nói chung, mà là những nét riêng có và chỉ có ở một miền đất cụ thể, ở một dân tộc cụ thể, có thể nhận ra ngay lập tức gương mặt, dáng vẻ của nó giữa muôn ngàn miền đất khác, giữa muôn ngàn dân tộc khác.   Lựa chọn hướng khai thác các vấn đề văn hoá dân tộc, Võ Phiến cho thấy một thái độ trân trọng đối với những nét văn hóa đã làm nên bản sắc của những vùng đất và con người mà ông đặc biệt gắn bó và yêu mến. Đây mới chính là điều làm nên những sáng tác vượt qua những giới hạn nhất thời tìm đến được sự đồng cảm ở những thế hệ sau của nhà văn Võ Phiến.

+

   Viết về văn hoá của một vùng đất người ta thường có xu hướng tìm đến những gì tinh tuý nhất, tiêu biểu nhất, thể hiện tài nghệ của con người. Song dường như ở Võ Phiến, điều làm ông xúc động, chất dính của ngòi bút lại thuộc về những gì tự nhiên, dân dã, nguyên sơ, thường tình, thuần phác nhất, thậm chí cả những điều nhiều người cho là nhỏ nhặt, dễ bị lãng quên như cái rổ cái rá, cái ấm đun trà… Quê hương đất nước hiện hình ở chính những điều giản dị ấy. Có khi chỉ là các đám khói ở chân trời miền đồng quê Kiến Tường hay ở một làng biên giới Tây Nam cũng đủ gợi lên trong ông nỗi ám ảnh khôn nguôi như thể đó chính là những dưỡng chất nuôi lớn tâm hồn: “Đồng không mông quạnh. Ở chân trời, vài đám khói ùn lên, chậm chạp, toả cao và rộng. Khói đốt cỏ: Nông dân phát cỏ, dồn lại đốt, để chuẩn bị làm mùa. Chao ơi, những đám khói đốt cỏ ở chân trời trong nắng trưa, sao mà xúc động, cảm hoài. Những đám khói kể lể nỗi niềm bao la cuối một chân trời mênh mông. Đứng him mắt mà trông: khói lặng lờ, không vội vã, khói bát ngát, nhẫn nại, xa vời; hàng giờ, hàng giờ, khói toả, vừa hiền từ vừa mơ mộng…” (Những đám khói).

Tản văn Võ Phiến thường tôn vinh những điều bình dị, những gì gắn với nhân gian, sống với nhân gian, hoà chung với cuộc sống nhân gian. Ông nhận thấy trong cách đặt tên cho đất đai sông nước của Cà Mau hay cả một vùng rộng lớn miền Nam bước chân những con người khai phá đất đai, chinh phục đất đai, sự quấn túm quây quần và sự tự suy tôn tên tuổi con người “vô danh”. Đó là những cái tên của những con người không hành trạng kì tích, không vĩ nhân xuất chúng, những con người “đã cùng bà con chòm xóm lặn lội sình lầy, góp một tay vào công cuộc khai hoang”, những con người gần gũi, ở ngay “trong đám dân gian”(Đất của con người) sống và chết lẫn vào dân gian: xóm Ông Đồ, ấp Ông Khâm, ấp Bà Năm, ấp Trùm Thuật, ấp Ông Muôn, ấp Ông Nhơn, sông Ông Đốc, ngọn Ông Trang, rạch Biện Nhan, rạch Ông Quyên, rạch Bà Quang, rạch Ông Búp, rạch Bà Khuê, rạch Ông Nô, rạch Bà Hương, mũi Ông Trang…

Tâm hồn nghệ sỹ ở Võ Phiến là tâm hồn của con người phương Đông, con người của ruộng đồng cây cỏ. Dễ nhận ra sự hứng khởi thực sự khi nhà văn chạm đến không khí của làng mạc, xóm thôn. Ông có thể hào hứng kể lể về các loại lúa, các loại cau, các loại tằm… những thứ quen thuộc xung quanh cuộc sống của người dân quê.

Ngay cả khi viết về các món ẩm thực, Võ Phiến cũng thiên về những gì dân dã, không cầu kì kiểu cách, ví như món nước mắm, mắm mòi, bánh tráng, nước vối, nước chè…; chúng như được chắt ra từ một quê nghèo rạ rơm thân thuộc nên trở thành một phần của cuộc sống tinh thần người Việt. Nhà văn cho rằng: “Làm mắm là tài riêng của dân tộc, và ăn mắm cũng là chút sở trường của dân quê nghèo khổ miền Trung” (Mình với ta). Có lẽ vậy mà ông hay viết về món nước mắm, cá mắm và còn ước ao: “giá viết được một cuốn toàn thư về mắm Việt Nam”, “đó là một công trình lập ngôn có mùi vị dân tộc không thể chối cãi, tha hồ trường tại với non sông”(Mắm và dân tộc). Những thức uống như chè Huế mà ông hay nhắc tới một cách đầy ưu ái cũng là thứ chè “bán ở chợ, hay bán rong dạo xóm dạo làng…” (Hạt bọt trà) chứ không phải thứ chè quý dùng để dâng vua hay được bày bán trong những tiệm hàng sang trọng. Hay khi viết về món bánh tráng, ông có thể kể lể nhiều cách ăn bánh tráng thật cầu kì, đạt đến mức nghệ thuật, nhưng cái cách ăn mà ông chú ý nhất lại là lối ăn bánh tráng của người Bình Định – ăn bánh tráng thuần tuý, không cần cuốn nhân – lối ăn mà đã là người Bình Định tất là nghiện “Đi làm ăn xa, lâu ngày không có dịp ăn bánh tráng, họ nhớ quay nhớ quắt” (Bánh tráng). Đó là lối ăn bánh tráng thay cơm trong những sinh hoạt của dân nghèo: “Nông dân mỗi sáng trước khi ra đồng, nếu không kịp thổi cơm sớm, có thể dùng mấy cuốn bánh thay bữa cơm sáng. Học trò ở trọ xa nhà, thường mang theo một chồng bánh hàng trăm cái, mỗi sáng nhúng nước vài chiếc, cuốn ăn điểm tâm. Những gia đình có một nghề thủ công riêng, đêm đêm thức khuya dệt vải, đập xơ dừa, chấp trân dệt chiếu v.v…thường tổ chức một bữa ăn khuya: lại vẫn bánh tráng nhúng nước rồi cuốn” (Bánh tráng). Nhà văn thừa nhận đây là cách ăn dở nhất, phi nghệ thuật và khó mê. Song điều gì khiến cho người con của Bình Định này lại có thể nặng lòng với nó đến vậy? Chỉ có thể giải thích: đó là tình quê, là sự gắn bó đến mức đã trở thành một khẩu vị cố hữu không dễ gì gạt bỏ, trở thành một phần trong cơ thể mỗi người. Trong Hạt bọt trà, Võ Phiến lại cho thấy một cách uống trà khác hẳn với lối thưởng trà tàu nhâm nhi thường thấy, nó biểu hiện một điệu sống, một cách thưởng thức, một nội lực chỉ có ở người lao động. Trà được uống từng bát lớn, uống một hơi, “Đã tợp vào là cứ thế thừa thắng xông lên ào ào, cứ ráo riết dồn dập cho đến cùng”. Cái ngon của nó “phàm tục thô bạo”, “nhưng là cái ngon khoẻ mạnh, thích hợp với bản chất nông dân lao động”. Có lẽ cũng chính vì thế mà những kì tích uống kiểu chè Huế này đã được lưu truyền trong dân gian, trong “cái xã hội của hạng sống lam lụ quanh mình” như những huyền thoại.

Khả năng nhận ra những vẻ đẹp riêng từ những điều giản dị không ngờ như thế ở Võ Phiến không chỉ cho thấy chất sống dân dã đã thấm vào từng tế bào cơ thể mà còn cho thấy một cách nhìn đời, một thị hiếu, một cách đánh giá theo những thước đo riêng của nhà văn về cuộc sống và con người, một sự tri âm đặc biệt với tất cả những gì làm nên tư chất của người nhà quê, người của văn minh nông nghiệp thuần phác ngàn đời. Mỗi người Việt Nam, trong vô thức, đã sẵn có những kinh nghiệm ứng xử hay những ý hướng của một người nhà quê như thế.

Dường như khi ẩn hồn vào những cái nguyên sơ, thuần phác, quê mùa nhà văn đồng thời có sự dị ứng với những dấu hiệu của văn minh đô thị. Thật lạ, con người có sự am hiểu về văn hoá phương Tây như Võ Phiến, con người sống giữa những trung tâm đô thị lớn với muôn vàn những mốt thời thượng, những sự tân kì, những lối sống đa tạp, nhịp sống quay cuồng… mà lại cứ muốn đi tìm một hình bóng người nhà quê thuần tuý. Tuy vậy, tản văn Võ Phiến không phải sự kêu gọi trở về với thôn quê chất phác cũng không phải sự chối bỏ quyết liệt đối với sự phát triển của văn minh. Xuất phát từ sự tri âm nói trên, ông bộc lộ trong sáng tác nỗi buồn âm ỉ, nỗi luyến tiếc và sự hụt hẫng trước hiện tượng văn minh đô thị có thể và đã làm sói mòn tình cảm con người, làm mai một những lề thói tốt đẹp và lấn át những nếp sinh hoạt thôn quê. Nhà văn thảng thốt trước một thực tế: “Từ thôn quê ra thành thị, con người càng dồn sát gần nhau lại càng lạnh lùng dửng dưng với nhau” (Cái rét đô thị). Đối với ông, thời đại kỹ thuật, cuộc sống đô thị làm cho con người ngày càng cô đơn, bởi “Đời sống của con người ở thành phố sao mà nó nhỏ quá, nó vô danh quá; tình liên hệ giữa người thành phố sao mà lạt lẽo hững hờ quá” lấy đâu ra tình lân lý láng giềng như ở nơi xóm làng dân cư thưa thớt. Nỗi cô đơn của con người giữa biển người, căn bệnh của thời đại mới có sức tàn phá như băng giá làm tuyệt diệt khủng long – sự giá băng của lòng người cũng có thể làm con người diệt vong.

Thời cuộc xô bồ còn làm mất đi bao nét tinh tế trong cảm quan đối với cuộc sống của người Việt, ví như năng lực phân biệt “cái ngọt sang trọng” của chè nấu theo lối Huế với “cái ngọt phàm phu tục tử” của trái cây đóng hộp ướp đá (Chè và văn minh), cái sự “chiếp” thử nước mắm tài tình đến mức nghệ thuật với việc chấp nhận những món nước chấm “miễn  mằn mặn và đủ chất” là được (Ăn uống sự thường). Lòng luyến tiếc với những gì xưa cũ khiến nhà văn luôn hoài vọng, có khi chỉ là hoài vọng về một thứ hết sức thường tình: “bây giờ đi đường khát nước, người Việt Nam trong các đô thị Việt Nam làm sao tìm được bát nước chè để uống? Chỉ có thể uống nước ngọt mà thôi: coca, xá xị, nước cam, nước rau má, nước…sinh tố (!)…”, “tô nước chè Huế, chè vối để giải khát cho khách bộ hành thì thật sự mất tích ở chỗ công cộng” (Ăn uống sự thường). Sự hoài vọng này tất đi kèm với những ác cảm nhà văn giành cho những biểu hiện của sự đổi thay là hệ quả của cuộc sống hiện đại. Hình ảnh “các người làm văn hoá dân tộc đang ngậm ống nhựa hút tùn tụt những ly pepsi, coca…” (Hạt bọt trà), đối với Võ Phiến quả là một sự phản cảm, nó là minh chứng cho sự xa rời nếp sống thuần Việt bao đời. Khi hồn người ta đã bám rễ ở những gì quê mùa, xưa cũ thì dễ có thái độ bực dọc như thế đối với sự có mặt của bất kỳ một dấu hiệu nào mang bóng dáng của sự đổi thay.

Trước những biến đổi của cuộc sống, nhà văn không chỉ nhìn thấy ở đó sự thay thế của một cái này cho một cái khác, mà ông nhận ra đó là  một sự đánh mất truyền thống: “Khảo sát những xã hội gồm nhiều giống dân di cư đến, như xã hội Hoa Kỳ, người ta để ý thấy một khi từ bỏ quê hương đến gia nhập vào xứ lạ, di dân thường thường rời bỏ y phục cổ truyền và ngôn ngữ dân tộc trước, rồi sau cùng mới chịu quên đi các món ăn dân tộc. Còn như chúng ta, chúng ta chẳng phải lưu lạc đi đâu, sống ngay trên đất nước, thế mà…” (Ăn uống sự thường). Dễ dàng lý giải vì sao ông hay đề cao những gì còn được bảo lưu một cách “ngoan cố” như chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt hay câu thơ lục bát trong văn chương… Nhà văn nói nhiều đến vẻ đẹp của chiếc áo dài, “một sự dung hòa giữa tự nhiên và văn hóa”, “theo sát những nét tuyệt mỹ của thân người(…)trao cho tấm thân ấy sự linh động phơi phới” (Chiếc áo dài).

Võ Phiến cũng thấy ở  thơ lục bát một nét sâu bền mang đậm bản sắc dân tộc: “Câu thơ lục bát chắc hẳn phải được kể là một trong những biểu lộ cá tính thâm thiết nhất của dân tộc Việt Nam: thơ ấy khác hẳn với thơ Tàu, và nhất mực từ chối mọi ảnh hưởng Tàu trải qua mấy nghìn năm gần gũi. Dễ gì tìm thấy một hình thức nghệ thuật khác giữ được bản sắc vững vàng như nó trước sự tấn công trường kỳ của văn hóa Tàu? Vậy, lục bát là cái gì hết sức thâm thúy đối với tâm hồn Việt Nam” (Thơ lục bát Chàm). Thái độ trân trọng, yêu quý, hãnh diện với truyền thống, với bản lĩnh dân tộc ở Võ Phiến đáng quý biết bao nhất là khi được đặt trong thời mà văn minh hiện đại đang lấn lướt dần và xóa nhòa mọi bản sắc.

Đi tìm cái nguyên sơ, thuần khiết, cái không gian sống đầy bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc trong hoàn cảnh cái mới, cái hiện đại đang lấn át nhanh chóng và mạnh mẽ như trên đã nói, là một sự kiếm tìm trong hoài vọng. Sự tri ngộ biến thành một niềm vui, nỗi thanh thản, một sự đền bù cảm giác cho cuộc sống hiện tại đầy những pha tạp, biến âm.

Võ Phiến có xu hướng tìm đến những nét văn hóa đẹp đẽ, mang đậm phong cách địa phương, phản chiếu không khí sống của một thời, đã từng ăn sâu vào máu thịt, vào nếp nghĩ, nếp sống làm thành một cái gì đó rất riêng trong định thức về dân tộc. Đặc biệt, rất nhiều trong số đó là những cái đang có nguy cơ mai một hoặc chìm lút trong sự vận động của cuộc sống thời đại. Võ Phiến có ý thức rõ ràng về sự lưu giữ những nét văn hóa đang mấp mé bên bờ diệt vong trước sự đổi thay, biến tướng của rất nhiều giá trị đời sống: chè thì bị văn minh kỹ thuật đánh ngã, bị thay thế bởi nhiều thứ đồ hộp trái cây (Chè và văn minh); chiếc rổ đi chợ, chiếc rá long bối đang bị thay thế bởi những chiếc giỏ xách bằng ni-lông màu mè và những cái dĩa bàn xới cơm (Quê một cục); thứ nước mắm phong phú hương vị, được thẩm định bằng những cái lưỡi “thiên tài” đầy trực giác và cảm tính nhường chỗ cho loại mắm chỉ còn được chú ý đến chất đạm được những dụng cụ vô tri phân tích đánh giá giá trị (Ăn uống sự thường)… Theo đấy ông còn cho thấy sự mất dần của rất nhiều từ ngữ chỉ những động tác, công việc hoặc đồ dùng của một thời trong cái kho tàng phong phú của ngôn ngữ dân quê. Tản văn Võ Phiến, xét từ một phương diện nào đó, có thể coi là chứng tích văn hóa được ghi dấu bằng những rung động chân thành của trái tim, được nhìn qua những tiếc nuối, trân trọng và một ý thức bảo tồn của một nhân cách văn hóa. Vẻ đẹp của những chứng tích ấy là vẻ đẹp như thể được bừng lên lần cuối cùng trong sự thể nghiệm thực sự của nhà văn trước khi trở thành quá khứ, trở thành kỷ niệm, trở thành cái vốn văn hóa được cất giữ chứ không thể cùng chung sống với hiện tại. Chính vì vậy, đó là vẻ đẹp đầy bâng khuâng của cái thực mà như đã thành mộng, cái vẫn còn đang trước mặt mà đã bao phủ một niềm hoài niệm.

Võ Phiến luôn tự ý thức sứ mệnh lưu giữ và bảo tồn cho đời sau những dấu hiệu của một cuộc sống đã gắn bó dài lâu với ông bà cha mẹ. Nhiều chi tiết trong tản văn Võ Phiến trở thành một thứ tư liệu lịch sử bởi nó dựng lại cụ thể những hoạt động hoặc những vật dụng sinh hoạt của một thời. Ông tả cái om trà: “Chiếc om, hình thù nó như một trái sim lớn: nó tròn quay và miệng loe ra (như tai sim). Vì om không có quai như ấm, như nồi, niêu, xoong, chảo v.v… cho nên để nhắc nó người ta không thể dùng đôi đũa bếp: phải dùng cái cặp/Cặp om là một thanh tre cật, dài non sải tay, uốn cong gập làm đôi, vòng cong vừa ôm khít chỗ eo của miệng om” (Hạt bọt trà). Ông viết về cái rá long bối: “Ngoài miền Trung, có nhiều nơi trong bữa ăn người ta không xới cơm thẳng từ nồi ra chén, mà trước hết được chuyển từ nồi ra rá cho bốc hơi ráo hột. Rá cơm thành một thứ vật dụng hết sức thông dụng, những gia đình có phương tiện sắm thứ rá đan cầu kỳ: rá long bối. Đan long bối có lẽ là cách rắc rối khó khăn nhất trong nghề đan đồ tre. Nan được gài theo ba chiều chéo nhau, lối đan cứ bắt ba nan lại đè ba nan; do đó tấm mê long bối vừa kín vừa dày cộm, đan xong mà lận mê vô vành cho được cũng khó. Thế mà có người còn mằn mò đan kiểu một mẹ hai con: cứ mỗi nan lớn ở giữa lại kèm hai nan nhỏ hai bên” (Quê một cục). Ông tái hiện một cảnh nếm nước mắm: “Người bán hàng mắm dùng chiếc gáo nhỏ xíu làm bằng sọ quả dừa xiêm dẹt, chỉ lớn hơn thứ gáo của bạn hàng dầu vốn làm bằng sọ quả mù u, lớn hơn một chút thôi. Người hàng mắm vục gáo vào “thõng”, múc lên lưng gáo, rót một tí vào cái chén con sạch sẽ, đưa mời. Cô tôi đón lấy chén, đưa lên mũi, ngửi qua, mắt nhìn ngưng lại giữa khoảng không, ngẫm nghĩ, thẩm định… Xong, một cách thận trọng, cô mới le lưỡi nhấm tí nước mắm. Rồi lặng lẽ trầm tư, cô trao cái chén về phía thím tôi…

Nhưng bà tôi sốt sắng, nóng nảy, đã vội vàng đưa tay vẫy gọi. Và thím chuyển ngay chén mắm sang bà. Lại ngửi, lại nếm. Sau đó, đến lượt thím tôi: lại ngửi, lại nếm…

Thím phát biểu:

– Khá hơn thứ năm cắc kỳ trước.

Cô tôi tán đồng dè dặt:

– Nhấm qua thì nó dịu hơn, nhưng chị chiếp cho lâu lâu thử coi…

Bà tôi nhận định:

– Nè, mấy đứa thấy sao? Cái màu kỳ này tao không vừa ý, mà mùi vị của nó

cũng chưa đằm đâu.

Người bán hàng vội vã cười hề hề:

– Bà nói vậy, con chịu. Bà tài thật, không cãi vào đâu được. Thưa, lứa nước này thiếu nắng. Nó còn hơi “sống” đó mà. Thưa, bà mua xong, đem “giang” ít lâu, nó bắt nắng, dậy mùi, thơm không thể tả. Màu nó cũng sẽ vàng óng lên chứ không hề như vầy đâu. Hề hề… Với bà thì cần gì phải bày vẽ, những cái đó bà biết hết mà. Hề hề…

Trong khi người bán hàng xoắn xuýt quanh bà, thì cô tôi thong thả trao đổi một nhận xét với thím:

– Nước kỳ trước, mới nhấp không thấy ngon lắm nhưng thâm thẩm nó ngọt hoài trên lưỡi: càng chiếp càng ngọt. Nước kỳ này không có hậu. Chị nhớ không: năm ngoái mình cũng gặp phải…

Thím tôi vừa gục gặc nhè nhẹ vừa bưng chén mắm lên nhắp lại một tí nữa để chiêm nghiệm. Người bán hàng tai nghe tiếng được tiếng mất những lời bàn tán thấp giọng  giữa hai người đàn bà, liền quay lại, ngờ vực, can thiệp liền: “Thưa..Thưa…v.v…” (Ăn uống sự thường).

Khôi phục và lưu giữ những nét đẹp trong sinh hoạt đời thường là một xu hướng khá nổi bật trong tản văn, nó được phát huy đặc biệt trong giai đoạn những năm chín mươi của thế kỷ XX trở lại đây. Trong cảm hứng chung là hoài cựu, nhiều tác giả đương đại thường kết cấu tác phẩm theo lối đối lập xưa- nay, thấy cái cũ mất đi thì than tiếc, thấy cái mới lấp dần cái cũ thì kỳ thị, rồi ước vọng được trở về với cái ngày xưa… Cũng có lúc Võ Phiến tỏ ra kỳ thị những thứ văn hóa kỹ trị làm biến chất những nét đẹp thuần hậu của con người. Song, tản văn Võ Phiến viết về những cái đang tuột khỏi hiện tại, mờ chìm vào kỉ niệm, có luyến tiếc, nhưng chủ yếu là được soi chiếu bằng một mong muốn lưu giữ lại những dấu vết của cuộc sống tiền nhân để đánh thức hậu nhân những thấu nhận về lịch sử của chính mình.

Thời nào cũng có sự đan xen giữa cái cũ và cái mới, song cái thời đang hắt bóng vào tản văn Võ Phiến là thời có sự giao thoa mạnh mẽ giữa các sắc màu văn hóa nông thôn và đô thị, truyền thống và hiện đại, Đông phương và Tây phương. Sự pha trộn, giành lấn này thực sự quyết liệt ở những đô thị lớn miền Nam. Chúng ta càng nhận thấy rõ hơn một tình yêu và sự hướng về một cách chân thành nhất những giá trị văn hóa dân tộc ở Võ Phiến, người có thừa  những điều kiện để có thể chấp nhận và lao vào một cuộc sống hiện đại như biết bao người giữa Sài Gòn hoa lệ.

+

Tiếp cận các vấn đề văn hóa trong chiều sâu của truyền thống và lịch sử, Võ Phiến tạo cho ngòi bút của mình một hướng đi mà sau ông mấy mươi năm trở thành một dòng chảy chính của tản văn Việt Nam. Tản văn Võ Phiến hầu như không có những suy tư mang tính triết học về con người như trong một số sáng tác của Mai Thảo. Bàn về các vấn đề quen thuộc, gần gũi, lại bằng cách nói cụ thể, giản dị, tự nhiên, không có những triết lý trừu tượng, tác phẩm của ông đến được với nhiều đối tượng tiếp nhận khác nhau. Võ Phiến cũng ít khi bộc bạch những cảm xúc, những kỷ niệm riêng tư bó hẹp trong cuộc sống cá nhân như trong tản văn Thanh Tâm Tuyền hay Vũ Bằng… Những trải nghiệm riêng được nhà văn đưa vào những vấn đề có tính phổ quát, vào những mối quan tâm của cả một lớp người mà thị hiếu, nếp sống, nếp nghĩ ít nhiều còn gắn với những giá trị truyền thống phương Đông, lớp người đang chứng kiến thế hệ sau trưởng thành ở những đô thị miền Nam thời ấy sẵn sàng xa rời những gì thuộc về văn minh nông nghiệp để thể nghiệm một lối sống mới từ phương Tây đưa lại. Theo dõi quá trình sáng tác của Võ Phiến sẽ nhận thấy, ông khởi nghiệp bằng truyện ngắn, sáng tác nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, có những tập truyện đã được giải thưởng văn học (Tập Mưa đêm cuối năm), song càng về sau ông lại càng mặn mà với thể loại tự do bộc bạch chính kiến và thái độ chủ quan của mình, đó là tản văn (sau 1975, ở hải ngoại, ông tiếp tục đăng nhiều tác phẩm trên internet). Vào giai đoạn sung sức nhất, những năm sáu mươi đầu bảy mươi của thế kỉ XX, tâm lực và vốn sống của Võ Phiến có dịp bộc lộ trong nhiều tác phẩm tản văn, nhất là bộ phận sáng tác về đề tài văn hóa dân tộc. Đây là những sáng tác đánh dấu những thành công trong sự nghiệp văn chương của Võ Phiến cũng như đóng góp của ông với văn học miền Nam nói riêng và văn học dân tộc nói chung.

PHỤ LỤC

HẠT BỌT TRÀ – VÕ PHIẾN

Dịch thể ngạnh ngọc bào”: tôi lấy làm suy nghĩ về chữ “bào” rất nhiều.

Ca tụng cái bọt của chất nước ngọc? Trà là nước ngọc? Tốt lắm, nhưng còn chút bọt kia, nó giữ vai trò gì ở đây? Ai cũng biết trong chén trà Tàu bé bằng hạt mít, bậc đài các chỉ thưởng thức cái hương và cái vị của một hớp nước mà thôi. Làm gì có bọt bèo trong đó? Bọt bèo rườm rà cũng không có cả trong chén trà bột của người Nhật. Vả lại dù có dăm ba hạt bọt, thì đó đâu phải là một yếu tố làm nên giá trị của trà? Nói đến làm gì?

“Khát uống trà mai hương ngọt ngọt,
Giấc nằm hiên nguyệt gió hiu hiu.”

Ðó, nói như cụ Trạng Trình thế là đúng điệu: Thưởng trà, khách tao nhân chú trọng nhất cái hương.

Còn ham trà đến như ông Lư Ðồng, uống trà mà ngon trớn đến như ông ta – làm luôn một hơi bảy chén, đến nỗi gió dậy dưới nách ào ào (1) – thế mà Lư Ðồng cũng không một lần đề cập đến bọt trà.

Có thể ngờ rằng những hạt bọt trong chén trà Tàu đã tan đi từ mười lăm thế kỷ rồi. Các lối uống trà khuấy (mạt trà) thịnh hành ở Nhật Bản, hay trà ngâm (diệp trà, tiễn trà, yêm trà) như ở Trung Hoa từ đời Minh về sau, đều không đếm xỉa đến bọt. Họa chăng hạt bọt được quí chuộng vào thời kỳ xa xưa của trà bánh (đoàn trà) nấu với đủ các món gia vị lủng củng, nào gừng, nào hành, nào vỏ quít, nào muối đó chăng?

Dẫu sao một hạt bọt trà dính trong câu thơ Tàu lưu lạc từ hơn nghìn năm xưa quả không đủ sức làm dâng lên sự suy tưởng trong một trí óc nặng nề. Sở dĩ tôi đã đâm ra nghĩ ngợi chỉ vì những hạt bọt nọ còn dính trên mớ râu của một ông cụ người cùng làng, cách đây không lâu.

Trong chỗ dân dã ở thôn quê miền Trung, người ta gọi nó là Chè, mà không gọi là Trà. Uống Trà Tàu là cái thú của hạng giàu sang; người bình dân thì uống Chè Huế.

Trà Tàu, pha theo lối Tàu. Chè Huế nấu lối Huế. Lối Huế không giống lối nấu chè tươi hay chè khô ngoài Bắc. Từ Huế, lần vào các tỉnh nam Trung phần, lối nấu chắc chắn cũng có thay đổi ít nhiều; vì vậy các quán nước chè bên đường ngoài Huế thường thấy có một chai nước cốt trữ sẵn, món đó không hề có ở vùng Nam Ngãi Bình Phú…

Trong bếp của mọi gia đình ngoài Trung đều có đủ hai món đồ gốm dùng để nấu nước: cái ấm và cái om. Om dùng cho chè Huế.

Chiếc om, hình thù nó như một trái sim lớn: nó tròn quay và miệng loe ra (như tai sim). Vì om không có quai như ấm, như nồi, siêu, xoong, chảo v.v… cho nên để nhắc nó người ta không thể dùng đôi đũa bếp: phải dùng cái cặp.

Cặp om là một thanh tre cật, dài non sải tay, uốn cong gập làm đôi, vòng cong vừa ôm khít chỗ eo của miệng om.

Có om có cặp, thế là đủ. Bỏ một vốc lá chè khô vào om, đổ nước vào, nổi lửa lên. Nước sôi, sắp trào ra, thì lập tức chế thêm tí nước lã vào để trấn nó xuống. Một chốc nó lại sôi bồng lên: lại tí nước lã nữa. Ba bận, bốn bận như thế… Cần nhất phải kiên nhẫn: lửa không nên cháy hỗn quá, nước chế thêm không nên nhiều quá, mỗi lần chút ít thôi. Có thế chè pha ra bát mới tốt bọt được.

Chè nấu xong đến chuyện pha nước. Bát bày sẵn bên bếp, trước tiên cho vào bát độ sáu bảy phần mười nước lạnh. Xong, dùng cây cặp nhắc om lên, rót nước chè sôi vào bát cho đến đầy.

A! Cái công việc rót nước ấy là cả một nghệ thuật đấy. Hạ om thấp quá thì bát chè ít bọt: đưa lên cao quá thì sẽ làm nổi lên những quả bong bóng to tướng. Bát nước kém bọt là hỏng, đã đành. Mà bọt nổi bong bóng lớn cũng là chuyện vụng về mà người nội trợ tự trọng phải cố tránh. Kẻ pha nước thông thạo biết chọn đúng cao độ cho om nước, biết rót xuống một dòng nước vừa phải, không nghiêng trút mạnh quá khiến bọt không tụ được, lại còn biết di động miệng om để phân phối bọt cho đều khắp, biết ngắt dòng nước đúng lúc để rồi rót thêm chỗ này một chút chỗ kia một tí, bổ di kịp thời vào những khoảng trống không đẹp mắt v.v… Ðến khi mọi sự đã viên thành, kẻ ấy gặc miệng om một cái trước khi ngừng tay, biểu diễn sự hài lòng trong cử chỉ chấm dứt.

Bát nước ngon lành phải thật nhiều bọt, đầy bọt, bọt hầu như phủ kín mặt nước, thứ bọt dẻo quánh lại, và nhỏ hạt.

Pha một bát nước vừa ý rồi mà phải đứa bé bưng nước không cẩn thận cũng đáng bực mình lắm. Bưng bát nước đầy thế nào từ dưới bếp lên đến nhà trên trao cho ông khách mà bọt không sánh ra ngoài, mà mặt nước không dao động đến nỗi làm vỡ bọt: được thế mới gọi là không phụ công phu kẻ nấu và pha nước.
Ðến đây đã rõ: Bao nhiêu công phu như đều dồn vào một chủ đích: “… ngạnh ngọc bào”.

Ông khách đón nhận bát nước, bưng trên tay, nhìn vào đám bọt tràn trề sung mãn mà không cầm lòng được. Bọt nước long lanh rạng rỡ phản chiếu khuôn mặt khách, lặp lại một vạn lần cái rạng rỡ ánh lên trong mắt khách. Nghịch ngợm, khiêu khích nhau đến thế thì không chịu được. Khách cúi đầu, chọn lựa một điểm thế thích nghi, chúm miệng thổi nhẹ để xua đuổi lũ bọt nước tránh giạt ra, dọn một khoảng trống vừa đủ chỗ đặt môi. (Dĩ nhiên, không một ai tính chuyện đớp mớ bọt nọ vào bụng!)

Bị đuổi, lũ bọt vội vàng vẹt tránh ngay. Nhưng hễ khách vừa nhúng môi xuống thì tất cả bọn chúng liền ập tới, bám riết quanh mép. Mực nước càng xuống thấp chúng càng rủ nhau kéo đến dồn dập, chen nhau lấn nhau, vỡ nổ lèo xèo trên môi trên mép của khách.

Có thể khách không hay biết về những gì xảy đến cho lũ bọt: Khách đang ngon trớn mà. Và tất cả sự khoái thích của việc uống chè Huế là ở trong cái trớn ấy.

Bát nước đã có lót đến sáu, bảy phần nước lạnh cho nên pha đầy nước dù đang sôi vào nó vẫn không quá nóng. Nó không như chén trà Tàu. Nó chỉ nóng vừa đủ cái độ khiến khách có thể uống ồng ộc một hơi, uống luôn không dừng, không ngẩng mặt lên, không rời môi khỏi miệng bát, cho đến cạn bát mới thôi. Mà bát chè Huế thì phải biết nó là những thứ bát khổng lồ. Hồi tiền chiến, người ta dùng bát Bài Thơ, bát Con Rồng: Một bàn tay xòe rộng chỉ che vừa miệng bát. Trong thời kháng chiến, nhiều gia đình thiếu thốn phải dùng đến những cái “vùa” đất: vùa chỉ thua bát ở nước men chứ kích thước không thua sút tí nào. Bởi vậy cái ngon của trà Tàu là cái ngon tiểu vẻ của hạng phong lưu đài các, cái ngon cầu kỳ kiểu cách của một chút vị ngọt ở chót lưỡi, chút hương thoảng qua mũi v.v…; còn cái ngon của chè Huế thì phàm tục thô bạo hơn, nhưng nó là cái ngon khỏe mạnh, thích hợp với bản chất nông dân lao động.

Trà Tàu để nhấp từng tí, là thứ trà của sự suy tưởng mơ màng. Còn chè Huế, không ai uống nó mà uống từng hớp rời. Ðã tợp vào là cứ thế thừa thắng xông lên ào ào, cứ ráo riết dồn dập cho đến cùng.

Mà đến tận cùng một bát Con Rồng thì bảy chén trà con của Lư Ðồng thấm vào đâu. Khách mà uống xong một bát chè Huế thì – theo ngôn từ nhà thơ Trung Hoa – dưới mỗi bên nách tất phải nổi lồng lên một trận bão. Và – theo cái lối mệnh danh của thời đại – có thể dưới nách bên này là một trận Hélène, bên kia là Jackie chẳng hạn.

Uống chè như vậy đâu đến nỗi vô vị?

Ở chỗ thôn quê nghèo nàn ngoài Trung, trong cái xã hội của hạng sống lam lụ quanh mình, tôi chưa được nghe câu chuyện nào liên quan đến cái giới uống trà Tàu. Ðây đó chỉ nghe toàn những giai thoại về chè Huế. Anh Ba Càng Cua mỗi sáng nhất định phải điểm tâm một bát thật đậm rồi mới ra đồng cày bừa được, mà hễ đã uống nước rồi là khỏi cần ăn; ông Tư và ông Tam Khoang vẫn cầm cự nhau suốt ba mươi năm nay: ông này mỗi lần hai bát thì ông kia cũng vẫn giữ vững đủ hai bát mỗi lần; ở làng nọ có người uống một lượt đến ba bát Bài Thơ; thôn kia có ông lão hai bát gặp được chàng trai hai bát rưỡi, lấy làm khoái, gả ngay con gái cưng cho v.v… Lại cũng không hiếm những câu truyền tụng về các bậc dị nhân ở tổng này huyện nọ uống một mạch hoặc bốn bát, năm bát nước, hoặc cả om nước, hoặc nửa vò nước v.v…, nhưng tôi ngờ rằng những chuyện đó thuộc về huyền thoại.

Dầu sao trong thôn dã có huyền thoại về chè om, về anh hùng chè lá, thì đủ biết om chè đã có địa vị nào đó trong cuộc sống tinh thần của dân gian.

Riêng đối với ông Tam Khoang, nó có vai trò trong cuộc đời tình cảm. Cũng như phần đông các tay cao thủ chè om, ông Tam Khoang có vóc người dềnh dàng, lực lưỡng. Trong chỗ xa tít nhất của ký ức tôi, ông đã có hai chòm râu mép. Ngày nay, trên bảy mươi tuổi già, ông cụ bạc trắng cả râu mép lẫn râu cằm.

Hồi tôi còn nhỏ, mỗi lần ông đến nhà, tôi thường lãnh việc bưng nước để được xem ông uống. Ông thong thả, chững chạc, trông không có vẻ gì là một người đang khát. Bưng tô nước lên tay, bao giờ ông cũng ngừng lại ngắm qua một chút để đánh giá; nếu có đàn bà trong nhà ngồi gần đâu đấy, ông không quên bình phẩm vắn tắt vài lời. Rồi thì bắt đầu: từ từ, không chút vội vã, ông uống cạn một bát, bình thản chờ đợi, rồi lại uống cạn một bát khác… Khi ông Tam Khoang ngẩng đầu lên lần thứ hai thì rất nhiều bọt trắng đã đeo lấy hai vệt râu mép. Tôi thích chí, chỉ chỏ: ông nở một nụ cười hiền lành, đưa tay áo quệt ngang một cái, rồi dùng hai ngón tay – ngón cái và ngón trỏ – vẹt sửa lại bộ râu.

Tôi chắc chắn không có một lần uống nào ông không bị lũ bọt chè quấy rầy bộ râu ấy; nhưng cũng không có lần nào đối với chúng ông không có cử chỉ khoan hòa.

Trước con mắt trẻ thơ của tôi bấy giờ, một con người đã thực hiện cái kỳ công là nuốt trọn hai bát nước to tướng như thế, với một vẻ vừa đĩnh đạc khả kính lại vừa giản dị khiêm nhường như thế, có vẻ đẹp riêng. Tôi ao ước mơ tưởng một ngày nào đó trong đời có thể học được cái phép làm một dị nhân từ tốn độ lượng kiểu ấy, để cho lũ bạn bè chúng nó lác mắt ra, vừa kinh hãi vừa cảm phục trong lòng. Cho đến ngày nay thì tôi đã chắc chắn đến mười phần là trọn đời mình không sao có được cái phép lạ ấy trong khi ông Tam Khoang vẫn đều đều mỗi ngày tái diễn ba bốn lần.

Do đó, tôi hoàn toàn cảm thông cái tâm sự của bà Tư. Bà có người chồng xuất sắc: ông Tư có tài uống một hơi hai bát chè. Nhưng bà không cầm lòng được trước phong thái của ông Tam Khoang. Từ hơn ba mươi năm trước, trong chỗ chòm xóm với nhau người ta thường gặp ông Tam Khoang đến chơi nhà ông Tư, chủ khách mỗi đàng hai bát nước xong, mặt mày thỏa thuê tươi rạng, đàng nào lặng lẽ mân mê ve vuốt râu mép của đàng ấy… Tất nhiên không phải là một cuộc đấu râu. Ðây là sự gặp gỡ của hai kẻ đàn ông nơi lòng mến mộ của một người đàn bà.

Ðối với mối tình tay ba ấy bà con làng xóm không có lời chỉ trích nghiêm khắc, chỉ có những giễu cợt khúc khích. Mối tình cứ thế kéo dài suốt ba, bốn chế độ chính trị, suốt đôi ba mươi năm ly loạn.

Cho đến ba năm trước đây thì xảy ra một biến cố: gia đình ông Tam Khoang quyết định tản cư lên tỉnh lỵ, gia đình ông Tư ở lại làng.

Thật là tan tác, bi ai. Tuy nhiên rồi sau đó người ta thấy rõ lòng người vẫn thắng nghịch cảnh: đôi ba tháng một lần ông Tam Khoang tìm được dịp về làng, ghé chơi nhà ông Tư.

Ghé chơi ông Tư, một mặt công khai chủ khách hể hả uống bốn bát nước chè, một mặt kín đáo ông Tam Khoang giúi cho bà Tư hoặc một xấp lãnh nhuộm đen bằng mặc nưa ở biên giới, hoặc một cái quần xa-teng Mỹ A v.v… Chỗ tỉnh lỵ coi vậy mà có lắm sáng kiến cung cấp cho ông nhiều lý do chính đáng để ông quyết định những chuyến về làng mạo hiểm. (Phải, đã ra tỉnh lại trở về làng là một chuyện nguy hiểm mà đám con cháu ông Tam Khoang tìm mọi cách để can ngăn.)

Ông Tam Khoang mạo hiểm hơn một năm trời như thế rồi thì rốt cuộc gia đình ông Tư cũng dọn lên tỉnh. Lại đề huề, lại sum vầy.

Ôi, cái cảnh sum vầy mới ngộ nghĩnh làm sao. Trong chuyến gặp nhau gần đây nhất, tôi được biết bây giờ giữa hai ông cụ có sự khắng khít như chưa bao giờ mật thiết đến thế: không ngày nào ông Tam Khoang không có mặt tại nhà ông Tư đủ hai buổi sớm chiều.

Có thể giải thích rằng trong cảnh xa lạc xóm làng những cụ già bơ vơ giữa đô thị thường tìm đến nhau như tìm về dĩ vãng của mình. Nhưng lý do cụ thể hơn hết, lý do sờ mó được, ấy là chiếc om chè.

Ðúng thế, cách đây nửa năm, chiếc om nhà ông Tam Khoang bị vỡ, và ông không thể tìm mua ở đâu cho được chiếc om khác thay thế. Om đất bây giờ đã biến mất trên thị trường. Om đất đã chết không kèn không trống, không một lời báo trước; vì vậy không ai được biết để mà phòng bị, tích trữ. Và một người đã uống chè Huế hơn nửa thế kỷ như ông Tam Khoang chẳng lẽ nay lại đi nấu chè trong cái niêu đồng? Vậy sự hiện diện thường trực của ông tại nhà ông Tư là một sự chính đáng.

Trong những ngày cuối cùng của cuộc sống, mặc dù cảnh đời ly loạn, hai ông cụ vẫn tiếp tục ngày ngày cúi xuống thổi những tảng bọt ngon lành nổi trên bát nước trao lên từ đôi bàn tay thân yêu nhăn nheo: cứ như thế họ hưởng hạnh phúc. Tôi hỏi thăm:
– Thưa, các cụ vẫn uống được hai bát như xưa…

Hai ông cụ tranh nhau đáp:
– Cám ơn ông Hai. Nhờ trời vẫn đủ hai bát mỗi lần.

Trên môi ông Tam Khoang nở một nụ cười kín đáo, man mác. Tuy vậy người ta cũng nhận thấy về già ông mất đi cái khiêm nhường đáng yêu của một người tự tin: về già – dù kín đáo – ông lại không giấu được một chút kiêu hãnh.

Sự mất tích của chiếc om đất không chỉ có tác dụng làm khắng khít một mối tình già. Tôi lo rằng sự mất tích ấy cũng có thể gây ra đôi điều không hay.

Không phải các dân tộc nhất thiết phải gìn giữ mãi mãi các phong tục ăn uống. Trong lịch sử, người Trung Hoa đã lần lượt trải qua những cách uống trà khác nhau hoàn toàn; có sao đâu? Lại còn nhờ thế mà họ tiến được đến những bình trà Thiết Quan Âm, Bạch Mao Hầu v.v… danh tiếng ngày nay, chắc chắn là hơn hẳn món trà uống với muối gừng xưa kia.

Nhưng trong trường hợp của chè Huế, dường như đây không phải là một biến chuyển để tiến tới. Trái lại.
Ðất Bình Ðịnh từng ghi được nhiều thành tích về trà. Trong cuốn sách viết về chỗ quê hương, thi sĩ Quách Tấn có nói đến thứ khổ trà ở miền An Lão Hoài Ân, thứ trà quí được vua chúa thích một thời. Trong đoạn hồi ký về chuyến ghé Nam kỳ năm 1778, một nhà hàng hải người Anh tên Chapman đã chú ý đến ngành buôn bán trà đang hồi cực thịnh tại đây: từ hải cảng Qui Nhơn cho đến hoàng thành của Nguyễn Nhạc, dọc đường nơi nào cũng thấy những cửa tiệm bán trà.

Có lẽ cả thứ trà dâng cho vua Nguyễn Gia Miêu cũng như thứ trà thịnh phát dưới triều Nguyễn Tây Sơn đều là trà pha chế lối Tàu. Còn chè Huế sau này thì không còn ai dâng vua, cũng không hề được bày bán trong tiệm: người ta chỉ bán chè Huế ở chợ, hay bán rong dạo xóm dạo làng…

Thời của trà vua chúa đã qua, đến thời của chè om cho dân dã, cũng được chứ sao. Nhưng bây giờ om cặp lại mất tích, rồi sắp hóa sinh ra thứ chè gì nữa đây? Cứ sự thể này thì hình như chè om tính đi luôn vào lịch sử không để lại thừa kế, không lưu vết tích. Thay thế cho nước chè, rồi sẽ có những thứ khác, thiếu gì. Các người làm văn hóa dân tộc đang ngậm ống nhựa hút tùn tụt những ly pepsi, coca v.v… không thấy đó sao? Thật tốt, thật hợp vệ sinh.

Có điều một người Nhật Bản, ông Okakura Kakuzo, đã mỉa mai nhẹ nhàng một vị huấn cổ học giả đời Minh bên Tàu khi ông này lúng túng không biết giải thích thế nào về hình dáng chiếc “trà tiễn” được nói đến trong một tác phẩm đời Tống. Sự lúng túng ấy gần mang ý nghĩa sỉ nhục, khi một bậc trí thức Trung Hoa quên mất cả phong tục tập quán của dân tộc mình sau một thời gian bị quân Mông Cổ cai trị.

“Trà tiễn” là món có công dụng rõ rệt mà người đời còn quên nó, huống hồ “trà bào”! Thật vậy, cái om, cái cặp, và đặc biệt là cái bọt chè, rất có thể là những tai họa cho các vị huấn cổ học giả nước nhà trong tương lai. Năm ba mươi năm sau, nói đến sự thích thú trước một bát nước chè đầy bọt thì còn hiểu thế quái nào được? thì các bậc học giả dám ngẩn tò te lắm chứ.

Trà tiễn để mà khuấy, chứ còn bọt chè dùng để làm gì? Không uống được, không ngửi được, không nếm được v.v… nó thành ra cả một sự bí hiểm, một sự thách đố đối với các nhà nghiên cứu. Ẩm giả yêu bọt chỉ vì bọt sao chớ? Cũng như nghệ thuật vị nghệ thuật vậy sao?

Bởi thế, trước khi bọt chè tan vỡ tiêu tùng hết, nên có đôi lời ghi chép về chút chuyện bọt bèo.

12 – 1972

1 “Thất uyển khiết bất đắc, duy giác lưỡng dịch tập tập thanh phong sinh” (Trà ca).

 

 

 

 

About lythuyetvanhoc

Bộ môn Lý luận văn học, khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm, Hà Nội
Bài này đã được đăng trong , lê trà my, phê bình văn học, văn học Việt Nam và được gắn thẻ , , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

1 Responses to Lê Trà My – Võ Phiến và văn hóa dân tộc

  1. Pingback: Võ Phiến và văn hóa dân tộc « Trác Chém Gió

Bình luận về bài viết này