Trần Ngọc Hiếu – Nhận diện văn học mạng Việt Nam

Hình ảnh từ phim "Social Network" (2010) - bộ phim dựa trên câu chuyện về sự ra đời của mạng xã hội Facebook

1. Hướng đến một định nghĩa 

Cùng với sự lên ngôi của blog như là hiện tượng truyền thông nổi bật nhất trong hai-ba năm qua thì những tác phẩm văn học mạng thu hút một lượng công chúng đáng kể, trong đó có những cuốn trở thành best-seller của năm, cũng đáng được ghi nhận như một hiện tượng đáng chú ý của văn học đương đại. Năm 2006, trên báo điện tử Vietnamnet, một chuyên đề về văn học mạng đã được tổ chức, tuy không hẳn đã tạo được một hiệu ứng mạnh nhưng ít nhiều cũng khiến người ta phải chú ý đến một hiện tượng văn học không dễ nhận diện và đánh giá. Tiếp đó, một hội thảo nằm trong chuỗi sinh hoạt “Bàn tròn văn chương” (kỳ 7) với chủ đề “Văn chương mạng và website vannghesongcuulong.org” được tổ chức vào ngày 21-4-2007, tại hội trường Hội Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì của nhà thơ Inrasara, cũng thu hút nhiều tham luận, ý kiến đa dạng. Tháng 5-2008, lần đầu tiên văn học mạng trở thành chủ đề chính của một tạp chí học thuật hàn lâm- Tạp chí Văn hóa nghệ thuật. Trong phạm vi tư liệu mà chúng tôi tập hợp được, cũng có hai công trình khoa học ở các trường đại học lấy văn học mạng là đối tượng nghiên cứu. Bên cạnh đó, những tranh luận về giá trị, địa vị cũng như các hiện tượng văn học mạng vẫn xuất hiện với tần số cao qua các kênh truyền thông. Thực tế đó cho thấy văn học mạng là một hiện tượng có tính vấn đề, còn bỏ ngỏ nhiều phương diện cần phải giải quyết, ngay từ phương diện cơ bản nhất: định nghĩa.

Lý do của sự bỏ ngỏ này hoàn toàn có thể hiểu được. Văn học mạng là một thực thể còn đang vận động; chính sự chưa định hình này khiến những tham vọng đưa ra định nghĩa về văn học mạng có nguy cơ trở nên bất cập. Những tác phẩm nào có thể được xếp vào dòng văn học mạng? Là những tác phẩm xuất xứ từ blog như Chuyện tình New York của Hà Kin, Tuyết đen của Giao Chi, Dị bản của Keng? Hay những sáng tác được đăng tải trên các tờ báo văn học điện tử được cập nhật đều đặn như Tiền Vệ, Da Màu? Trên thực tế, những tác phẩm văn học mạng liệu đã hình thành được nét đặc trưng đáng kể nào chưa để có thể xếp nó thành một “dòng”, ít nhiều có sự phân biệt với văn học vốn được vận hành đời sống của mình thông qua kênh truyền thống là xuất bản thành sách, đăng trên báo in?  

Có lẽ cần thiết phải bắt đầu bằng việc khảo sát những định nghĩa hiện phổ biến về văn học mạng. Những định nghĩa này chủ yếu mang tính phân loại, được khái quát bởi những tác giả thể nghiệm dòng văn học này (sáng tác, dịch thuật). Theo Trang Hạ, một trong những cây bút được coi là tiên phong của văn học mạng Việt Nam, thì văn học mạng cần phải được hiểu như sau:

“Ở Trung Quốc văn học mạng (network literature) được hiểu trong tương quan với khái niệm “văn học truyền thống” (traditional literature). Người viết ban đầu viết ra để chia sẻ, không có mục đích sáng tác văn học. Nếu như với văn học truyền thống, nhà văn quyết định tác phẩm thì văn học mạng luôn là một quá trình chưa hoàn tất, bạn đọc có thể tham gia sáng tạo cùng tác giả và sự quan tâm lưu truyền của bạn đọc là yếu tố quyết định việc trở thành tác phẩm. Tính mạng (ở phương thức lưu truyền, kĩ thuật đặc thù, ở tác giả, người đọc…) là đặc trưng của văn học mạng. Những người viết đăng tác phẩm hoàn chỉnh lên các trang web văn học, các forum hoặc báo điện tử chuyên về văn học không phải là nhà văn mạng và tác phẩm của họ cũng không thể biến thành tác phẩm văn học mạng. Tuy vậy, văn học mạng chỉ là một trong những lựa chọn cách sáng tác và lưu truyền, một xu hướng dễ được người trẻ đón nhận, có thể coi như văn chương thị dân, văn chương tiêu dùng và chỉ là một phần nhỏ trong đời sống văn học.” (những chỗ in nghiêng do tôi nhấn mạnh – T.N.H).[1]

Qua sự diễn giải khái niệm nói trên, có thể thấy văn học mạng trước hết là một thứ “đặc sản” Trung Hoa trong thời đại internet. Có nhiều điểm gợi băn khoăn từ một quan niệm như vậy về văn học mạng. Liệu nó đã bao quát được hết thực tiễn của cách ứng xử đối với mạng trong đời sống văn học Trung Quốc đương đại? Từ một góc quan sát khác, nhà nghiên cứu Michael Hockx cho ta biết thêm một nhánh khác, một dòng mạch khác của văn học mạng Trung Quốc mà, khá ngạc nhiên, chúng ít được nhấn mạnh trong những dẫn nhập về hiện tượng này ở Việt Nam: dòng mạch tiền phong, avant garde, phản đại chúng, phản thương mại. Đặc điểm nổi bật của dòng mạch này là “việc các nhà văn ứng dụng những đặc điểm tương tác của lối viết mạng để tạo ra những mạch văn, mạch hình ảnh bất định, đa tác giả, khuyến khích (thậm chí bao hàm) sự tham dự của độc giả vào những kinh nghiệm văn chương và thẩm mỹ mới”[2]. Nếu xét đến bộ phận này thì rõ ràng cái gọi là “network literature” ở Trung Quốc không hoàn toàn là một thứ “đặc sản”, một hiện tượng có tính chất phạm vi; nó gần với những thể nghiệm “electronic literature” (văn học điện tử), “hypertext literature” (văn học siêu văn bản)… vốn cũng có mặt trong văn học phương Tây đương đại. Việc nhận diện văn học mạng Việt Nam, thiết tưởng, cần có một sự tham chiếu toàn diện hơn.

Nhà thơ Inrasara đưa ra tiêu chí để nhận diện tác phẩm văn học mạng khá chặt. Theo ông, văn chương mạng đúng nghĩa không đơn thuần chỉ là thứ văn chương có mặt trên mạng. Thứ văn chương chỉ ứng xử với mạng như một không gian để công bố, đăng tải tác phẩm thì chỉ là văn chương mạng với “tâm thế giấy”. Văn chương mạng phải là văn chương của “các tác giả chỉ muốn xuất hiện trên mạng. Họ sống đời sống văn chương của mạng, viết trên mạng, vận dụng ưu thế kĩ thuật của Internet, xử lí thông tin trên mạng, tương tác trên mạng, tồn tại trên mạng, buồn vui trên mạng, hi vọng hay thất vọng cũng trên mạng… Họ là công dân mạng toàn phần. Và có thể nói đây là thứ văn chương mạng đúng nghĩa, khác hẳn các sáng tác được đăng trên mạng. Văn chương mạng khi in ra giấy sẽ mất đi hơi thở đời sống mạng và giảm “giá trị đích thực” của nó không ít!” (T.N.H nhấn mạnh)[3]

Định nghĩa của Inrasara, theo chúng tôi, đã vạch ra được những nét cơ bản nhất phân biệt văn học mạng với văn học truyền thống được xuất bản, lưu hành thông qua con đường in ấn (bằng giấy), cho dù có thể nảy sinh e ngại, rằng theo tiêu chí đó, chỉ có một bộ phận rất nhỏ đáng được coi là văn học mạng (nhất là xét trong bối cảnh văn học Việt Nam). Điều đáng nói là định nghĩa của Inrasara đặt ra nhiều vấn đề nhưng không đi vào cụ thể, khiến cách hiểu về văn học mạng vẫn khá mông lung. Chẳng hạn, thế nào là “tương tác”, thế nào là “vận dụng ưu thế của kỹ thuật internet”, cái được xem như “giá trị đích thực của văn học mạng” phải hiểu ra sao?

Hai công trình Bước đầu khảo sát văn học mạng Việt Nam Đặc điểm phát triển  của văn học mạng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI lại có xu hướng chấp nhận một quan niệm rộng hơn, và theo họ, cũng phù hợp với thực tiễn của văn học Việt Nam hơn. Theo đó, văn học mạng gồm ba bộ phận: những sáng tác được phổ biến và đưa lên mạng cùng lúc (hoặc trước/sau không lâu) với thời điểm đăng tải bằng các phương tiện in ấn; những sáng được hoàn thành, công bố trên mạng, gây được dư luận và sau đó có thể lại được in ấn trên sách báo (đây có lẽ bộ phận đông đảo nhất của văn học mạng Việt Nam); những “sáng tác văn chương mạng đích thực” theo tiêu chí của Inrasara. [4]

Về cơ bản, những quan niệm đa dạng về văn học mạng hiện nay đều thống nhất ở một điểm: văn học mạng là thứ văn học lựa chọn mạng là môi trường sống ưu tiên của mình. Theo chúng tôi, quan hệ giữa văn học và mạng không đơn giản chỉ là quan hệ ký sinh, theo đó, mạng chỉ là một hình thức tồn tại mới của văn học (một phương thức mới để sáng tác và truyền bá tác phẩm) mà còn là một thứ quan hệ cộng sinh, từ đó, ngay cả phương thức tồn tại của văn học, những ý niệm văn học then chốt như tác giả, tác phẩm, viết, thể loại, cấu trúc…có thể phái tái định nghĩa. Để nhận diện và định giá đúng văn học mạng, thiết tưởng, không chỉ cần chú ý đến mạng như một công nghệ mà văn học có thể lợi dụng trong sự vận hành đời sống của mình. Quan trọng hơn, cần tiếp cận mạng như một hình thức văn hóa, văn học mạng như một loại hình văn học tồn tại trong một hình thức văn hóa có những đặc thù. Đây cũng là điểm mà những nghiên cứu phê bình văn học mạng hiện nay chưa thật quan tâm đúng mức.

2. Văn học mạng như một hình thức văn hóa đặc thù

Mạng, trước tiên, là một thành tựu của công nghệ thông tin. Với thành tựu này, có ý kiến cho rằng từ đây, lịch sử nhân loại có thể phân chia thành hai thời kỳ: trước và sau khi xuất hiện internet. Đó không hẳn là một nhận định cường điệu khi bằng chính trải nghiệm của mỗi người, ta có thể cảm nhận được sự tác động, ảnh hưởng của mạng đến mọi bình diện của đời sống, xã hội, thậm chí, nó còn có thể xâm nhập vào tận nội giới của con người. Mạng tạo ra những khả năng tương thông, tương tác đa chiều, vô cùng phong phú, một siêu không gian cho sự giao tiếp, liên lạc mà ở đây những giới hạn, rào cản của không gian vật chất thông thường bị vượt qua. Xem xét văn học mạng, chúng tôi muốn nhấn mạnh ba đặc điểm sau: 1- không gian của văn học mạng; 2-văn học mạng như một kênh giao tiếp đặc biệt; 3-văn học mạng như một loại hình văn chương của công nghệ.

Không gian của văn học mạng

Tính đặc thù của không gian văn học mạng là điều mà nhiều nghiên cứu về hiện tượng này đều đã đề cập đến. Ở đây, chúng tôi chỉ xin tập trung đi sâu vào một số điểm:

Thứ nhất, người ta thường cho rằng internet là một thế giới ảo, để đối lập với thế giới thực tại (reality). Một quan niệm như vậy có lẽ ngày càng trở nên mất đi tính xác đáng trước sự xâm lấn không ngừng mạnh mẽ của cái vốn được coi là “ảo” vào trong đời sống “thực”, khi cái “ảo” có thể đem lại những tác động, giá trị rất thực, rất vật chất. Cái “ảo” đó có lực lượng, khả năng, quyền lực, v.v… của nó –những yếu tố góp phần giải cấu trúc những thứ vốn được mặc định là “thực tại”, trong đó phải nói đến ý niệm về “giới hạn”, trước tiên là giới hạn không gian. Mạng là bằng chứng sống động cho thấy khả năng “giải lãnh thổ” của công nghệ khi nhờ nó, những khoảng cách địa lý, ngôn ngữ, văn hóa bị xóa bỏ. Mạng là nơi ta cảm thấy rõ nét nhất trạng thái đa ngữ của đời sống, mà Bakhtin mô tả như là sự sinh thành, chuyển động, thâm nhập, soi sáng lẫn nhau của các ngôn ngữ và bởi vậy, mọi sự tuyệt đối chỉ còn là ảo tưởng, mọi đại tự sự trở thành bất cập. Văn học mạng trước hết là văn học của sự chuyển dịch ngôn ngữ hết sức năng động. Hóa giải độ rắn, sự xơ cứng của ngôn ngữ, theo chúng tôi, là khía cạnh có tính đóng góp của văn học mạng.

Thứ hai, mạng về bản chất là không gian mở, tự do, nơi mọi thứ đều ở trạng thái chuyển động, và đặc biệt, chuyển động với tốc độ rất nhanh. Tính tốc độ này vừa là lợi thế mà những nhà văn khi lựa chọn mạng làm nơi ký thác tác phẩm nhưng đồng thời lại cũng là một sự nghiệt ngã. Bởi lẽ trước sự ào ạt của dòng thác thông tin, tác phẩm văn học mạng phải đối diện với nguy cơ không được chú ý, bị từ chối đọc, bị thải loại, rơi vào lãng quên như thể chưa từng tồn tại. Trang Hạ khi trả lời câu hỏi: “Chị nghĩ sao khi bạn đọc mạng thích những tác phẩm giật gân, câu khách hơn là những tác phẩm sâu sắc nghiêm túc?” đã thẳng thắn “Nếu tác phẩm của bạn thật sự xuất sắc nhưng bạn đọc bỏ qua thì bạn không thể tồn tại trên mạng được, bạn phải tìm một con đường khác.”[5] Vì thế, văn học mạng có thể nói là thứ văn học muốn “nói to” về sự tồn tại của mình. Nó nói to bằng cách gây sốc, bằng cách chiều độc giả, bằng những thủ pháp tân kỳ, bằng sức hấp dẫn của một thứ “game online” ngôn ngữ… Để được “nhớ” trên mạng thực sự là điều không dễ. Con đường truyền lưu tác phẩm qua mạng tưởng như thuận lợi hơn con đường truyền miệng của văn học dân gian nhưng hóa ra cũng lắm gập ghềnh.

Văn học mạng như một hiện tượng giao tiếp đặc biệt. 

Nói đến lợi ích quan trọng nhất mà internet đem đến cho con người phải nói đến khả năng kết nối. Nhờ mạng, con người không chỉ có thêm một phương tiện để truyền thông có khả năng cập nhật, liên kết thông tin; điều có ý nghĩa không kém là mạng đa dạng hoá các kênh truyền thông, thậm chí có thể nói, nó cho phép mỗi cá nhân có thể trở thành chủ sở hữu của một kênh truyền thông, đặc biệt khi blog ra đời. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2006, báo Times đã chọn YOU – những người sử dụng những tiện ích của mạng như Youtube, blog… như một kênh truyền thông cá nhân, độc lập – là nhân vật của năm, chứ không phải là một chính trị gia, một chủ tập đoàn, một nghệ sĩ[6]

Văn học mạng bùng nổ thành một cơn sốt ở Trung Quốc; văn học mạng trở thành một hiện tượng văn hoá mang tính thời sự ở Việt Nam… có thể xem như là hệ quả từ sự trỗi dậy của ý thức cá nhân, ý thức về tính độc lập của chủ thể phát ngôn. Người viết chủ động tìm cách công bố tác phẩm của mình, tự tạo ra môi trường giao lưu cho tác phẩm của mình, vượt qua những áp lực của kiểm duyệt. Mạng có lẽ đem đến cho người viết cảm giác về một không gian tự do nhất cho hành vi sáng tạo và truyền bá sáng tác của mình. Dù là những tiểu thuyết mang tính chất diễm tình của Trần Thu Trang, Hà Kin hay những bài thơ thách thức thị hiếu số đông công chúng của nhóm Mở Miệng, Ngựa Trời… thì những tác phẩm văn học mạng dị chủng này đều là hiện tượng giải trung tâm, phá vỡ sự độc tôn của không gian công (public sphere) chính thống. Sự đa dạng hoá của không gian công bao giờ cũng có ý nghĩa văn hoá rất lớn. Sự ra đời của báo chí và các nhà xuất bản tư nhân hổi đầu thế kỷ XX đã từng tạo ra cả một không gian rộng rãi cho những hiện tượng văn hoá mới hình thành và phát triển. Gợi lại lịch sử như vậy để chúng ta có thể suy ngẫm thêm về vai trò của mạng đối với đời sống văn hoá nói chung, văn học nói riêng. Ở đây, xin được nói thêm, khi nói văn học mạng như một kênh văn học độc lập, ta có thể thấy nó có một mối liên hệ rất mật thiết với hiện tượng các nhà thơ, nhà văn chủ yếu sống ở Sài Gòn tự xuất bản dưới hình thức phô tô – cùng là biểu hiện của một cố gắng giải thế sự quan phương, giải bỏ tính chất điều kiện hoá của không gian công chính thống áp đặt lên hoạt động văn học của cá nhân người nghệ sĩ.[7] 

Văn học mạng như một loại hình văn chương của công nghệ.

Một trong những đặc tính của mạng là khả năng tương tác. Đây cũng điểm mà những người giới thiệu và nghiên cứu văn học mạng ở Việt Nam đề cao, xem như một đặc trưng để khu biệt loại hình văn học này với văn học truyền thống. Tuy nhiên, khái niệm tương tác chủ yếu chỉ được hiểu theo một chiều. Theo đó, tương tác là những phản hồi, bình luận của độc giả đối với tác phẩm đăng tải trên mạng mà nhờ công nghệ thông tin và tính dân chủ của không gian mạng, chúng có thể xuất hiện tức thì, chóng vánh ngay sau khi tác giả post bài lên mạng. Những phản hồi, dư luận từ phái công chúng này có thể khiến tác giả thay đổi ý tưởng, sửa lại tác phẩm.  Nói như Trang Hạ, “trên mạng độc giả quyết định tất cả… Với văn học mạng, giá trị được đo bằng độc giả, có độc giả là có tác phẩm. ở đây không có chiếu trên, chiếu dưới, không có đẳng cấp, thứ bậc, mà chỉ có được đón nhận hay không được đón nhận.”[8] Sự tương tác, nếu hiểu theo nghĩa này, là một nỗ lực đón bắt trúng “tầm mong đợi” của độc giả, để dùng một thuật ngữ quan trọng của lý thuyết tiếp nhận. Nhà văn là người biết nuôi sự tò mò cho độc giả và biết thỏa mãn tâm lý, thị hiếu của thị giả.

Trên thực tế, sự tương tác như thế này hoàn toàn không phải là phát kiến độc quyền của văn học mạng. Ở văn học in, các tác giả viết truyện dài từng kỳ trên báo (feulleton) từ xưa đã phải nắm vững bí quyết để giữ độc giả. Theo ghi nhớ của chúng tôi thì một tác phẩm có thể nói là “tiền thân” cho kiểu tương tác văn học mạng như thế này là tiểu thuyết Bồ câu không đưa thư của Nguyễn Nhật Ánh. Được khởi đăng trên tờ báo dành cho tuổi học trò Mực Tím (năm 1992). Tiểu thuyết đuợc đăng nhiều kỳ, trong mục “Truyện dài đoán trước”, kết thúc mỗi kỳ, tác giả đều treo lại một tình huống mời độc giả dự đoán, độc giả nào đoán trúng sẽ được tặng thưởng. Khác biệt duy nhất chỉ là ở chỗ: với báo in, cả nhà văn lẫn độc giả đều không có cách để biết được, thể hiện những phản ứng, bình luận trực tiếp của mình. Đối với văn học mạng, sự tương tác nhằm thỏa mãn số đông độc giả, tăng lượng clickview, trước hết, là cách để tác phẩm trở thành một sự kiện, gây xôn xao – điều này cực kỳ cần thiết trong thế giới mạng nơi mọi thứ đều rất dễ bị “quên” và “scandal”, hiệu ứng dư luận là phương thức để nhắc nhở về sự hiện hữu. Thứ hai, đó cũng là một hiệu ứng về mặt thương mại –độc giả phải trả tiền để đọc phần tiếp theo hoặc gây được chú ý đối với các nhà xuất bản. Ngay tại Trung Quốc, nơi văn học mạng đang ở giai đoạn cực thịnh, được xuất bản qua con đường in ấn vẫn là một tiêu chí để đánh giá thành công của các nhà văn mạng[9]. Thứ ba, tác phẩm văn học mạng, trong trường hợp này, vẫn có thể bảo lưu được giá trị của nó khi được in ra giấy. Một ví dụ điển hình là tác phẩm Xin lỗi em chỉ là con đĩ (Bảo Thê) qua bản dịch của Trang Hạ đã tạo nên cơn sốt trong cộng đồng blog Việt. Đến khi được in thành sách, nó vẫn thuộc dạng best seller. Nhưng rõ ràng, với kiểu tương tác này, cái “xôn xao” của tác phẩm văn học mạng là cái “xôn xao thời sự”, có xu hướng ngày càng giảm nhiệt khi tác phẩm đã xong xuôi. Điều này rất khác với cái “xôn xao” được tạo nên bởi những tác phẩm lớn thực thụ.

Nhưng “tương tác” còn có thể hiểu theo nghĩa khác, và theo chúng tôi, cách hiểu này mới thực sự mang đặc trưng mạng. Ở đây, cả tác giả lẫn người đọc đều nỗ lực tận dụng các kỹ thuật, hiệu ứng của mạng để kiến tạo tác phẩm, điều này khiến cho tác phẩm văn học mạng “bất khả” chuyển thể sang dạng sách in. Một thể loại tiêu biểu cho sự công sinh giữa văn chương và công nghệ theo kiểu này là hyperfiction/hypernarrative (dịch không thật sát nghĩa là phì đại hư cấu/phì đại tự sự) mà Micheal Joyce, Judy Malloy được nhắc đến như những đại diện nổi bật. Tác phẩm The Afternoon của Michael Joyce được xem như thuộc hàng kinh điển của thể loại này. “Nhân vật chính của câu chuyện là Peter, một nhà văn, Werts, bạn của anh ta, chủ công ty, Lolly, vợ của Werts và Naussica, nhân tình của hai người. Cả câu chuyện được ghép lại bởi những mảnh lexias khác nhau, và độc giả trong khi có thể tùy ý lần bước theo các léxias, sẽ được nghe lại các giọng khác nhau của các nhân vật, những suy nghĩ của họ về mình, về cuộc sống, về các nhân vật khác, các sự kiện xảy ra khác. Không gian và thời gian trong câu chuyện bị đảo lẫn, và người đọc phải tự mình kết nối các sự kiện để có một hình dung tổng thể về cả câu chuyện”[10]. Với kiểu tận dụng công nghệ như vậy, văn học rõ ràng trở thành một thứ game – online, tiểu thuyết xích gần media –art hơn là các thể loại văn học truyền thống. Những thể nghiệm của Joyce hay Malloy không tránh khỏi những nghi ngờ kiểu: Đó có còn là văn học? Thực ra không nên quá âu lo như vậy bởi lẽ các loại hình nghệ thuật khác ngay từ giữa thế kỷ XX đã có xu hướng phá vỡ chính giới hạn của mình, tạo ra những hình thức-phương thức tồn tại mới, tạo ra những loại hình nghệ thuật giao thoa hoặc có sức dung chứa lớn hơn – chẳng hạn, mỹ thuật không còn đơn thuần chỉ là hội họa giá vẽ và điêu khắc mà còn bao hàm cả nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật thực địa (land-art), nghệ thuật thân thể (body-art) đến mức người ta đã dùng thuật ngữ nghệ thuật thị giác (visual art) thay cho cụm từ “mỹ thuật” theo nghĩa truyền thống để bao quát các hiện tượng nghệ thuật mới nảy sinh này. Văn học vốn bị ràng buộc bởi ngôn ngữ, cái vốn mang bản chất xã hội, chịu nhiều ràng buộc hơn để có thể mở rộng biên độ. Vậy thì có khắt khe quá chăng khi từ chối sự hôn phối của văn học hôn phối công nghệ để hình thành một khả thể khác cho chính nó, nhất là trong khi nghệ thuật có xu hướng nhích ra khỏi bảng phân loại truyền thống, mạnh dạn lai ghép với cả những thứ ngoài nghệ thuật để tạo ra những hình thái nghệ thuật mới?

3. Văn học mạng Việt Nam – một thực thể không đồng chất 

Trên cơ sở nhận diện những đặc trưng của văn học mạng như đã trình bày ở trên, chúng tôi từ chối xem văn học mạng Việt Nam như một thực thể đồng chất. Diện mạo của văn học mạng Việt Nam, ở thời điểm hiện nay, là sự hợp lưu của ba nhánh chính: 1- nhánh văn học mạng xuất phát từ blog cá nhân; 2- nhánh văn học mạng xuất phát từ các tạp chí văn chương điện tử tiếng Việt cập nhất đều đặn (các tạp chí này đều không lưu hành dưới dạng ấn phẩm); 3 – văn học dân gian đương đại sáng tác và lưu truyền qua mạng. Nhánh thứ ba này hầu như không đuợc nhắc đến trong các nghiên cứu văn học mạng song theo chúng tôi, bộ phận này có nhiều điểm rất đáng lưu ý. Nhánh thứ nhất và nhánh thứ hai dường như không chia sẻ với nhau nhiều điểm về khuynh hướng, quan điểm thẩm mỹ, chúng cũng nhắm tới những nhóm độc giả khác nhau.

Thứ nhất là nhánh văn học mạng xuất xứ từ blog. Thể loại chính của nhánh văn học này là tiểu thuyết (Chuyện tình New York – Hà Kin; Phải lấy người như anh – Trần Thu Trang, Tuyết đen – Giao Chi) và tản văn (Tớ là Dâu – Joe Ruelle; 99 tuần buôn chuyện – Trần Thu Trang…). Đề tài chủ yếu xoay quanh tình yêu đôi lứa và những cảm xúc, suy tư trước những vấn đề xã hội. Trong quan hệ tương tác với công chúng, nhánh văn học này được công chúng đón nhận khá nồng nhiệt, bằng chứng là nhiều cuốn thuộc dạng sách bán chạy nhất trong năm qua. Công chúng của nó phần lớn là những người trẻ tuổi (học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng) sống ở đô thị. Giá trị văn học của những tác phẩm thuộc nhánh này trong con mắt của những độc giả đặc tuyển, có kinh nghiệm văn học dày dặn, không thật sự được đánh giá cao. Nhưng một khi chúng thu hút được lượng công chúng đáng kể trong thời buổi văn hoá đọc bị cạnh tranh gay gắt với văn hoá nghe nhìn thì không thể phủ nhận rằng chúng có những nhân tố gây được sức hấp dẫn lớn. Đâu là bí quyết thành công của những tác giả văn học mạng ăn khách này? 

Có thể thấy những tác giả này khi viết dường như không đặt quá nhiều những mục tiêu nghiêm trọng. Họ kể chuyện một cách tự nhiên với lối viết biến thể từ nhật ký, đặc biệt là ở thể loại tản văn. Họ xác định rất rõ việc hướng tới mục đích giải trí, thậm chí cả mục đích thương mại. Bản thân điều này cũng có ý nghĩa đáng kể. Người Việt Nam vốn có thói quen trịnh trọng hoá văn chương, xem giải trí như một chức năng không quan trọng, thậm chí cho rằng hướng đến chức năng giải trí có nguy cơ làm hạ thấp văn chương. Nhưng định kiến này cần được thay đổi. Chức năng giải trí tuy không thể là chức năng quan trọng nhất của văn học song nếu không có chức năng giải trí thì những chức năng đuợc xem là “nghiêm túc” hơn của văn học như thẩm mỹ, giáo dục, nhận thức khó có thể được hiện thực hoá được. 

Mặt khác, chức năng giải trí của văn học luôn gắn liền với một nhu cầu nhân bản của con người: nhu cầu giải thoát khỏi cái thường nhật, cái thực tại với những quy tắc, những luật lệ buộc con người phải dồn nén những ham mê, những đòi hỏi của bản năng… Từ nhận xét này, khi soi chiếu vào những tác phẩm văn học mạng best-seller, ta có thể thấy được cái bí quyết hút khách của chúng. Nếu các tác phẩm văn học mạng ăn khách ở Trung Quốc có vẻ như đa dạng hơn về thể tài (diễm tình, trinh thám, kiếm hiệp) thì các tiểu thuyết mạng “đình đám” ở Việt Nam về cơ bản chỉ đi theo một mạch. Những Phải lấy người như anh, Cock-tail cho tình yêu (Trần Thu Trang), Chuyện tình New York (Hà Kin), Tuyết đen (Giao Chi), nhìn chung, có thể xem như là sự tiếp nối của dòng văn học tình cảm chủ nghĩa, hay theo cách diễn đạt nôm na, nó đi theo mạch “sến” vốn luôn đậm đà trong văn nghệ Việt Nam. Cho dù từ “sến” trong cảm thức tiếng Việt ở thời điểm hiện tại có vẻ như gắn liền với cái dở, cái sáo, cái dễ dãi thì chúng ta cũng không thể không thừa nhận nó có một sức hấp dẫn đối với đại chúng. Việc dòng nhạc bolero vốn bị xem là ướt át, uỷ mị được phục sinh trong một hai năm trở lại đây là điều đáng để ta suy ngẫm bên cạnh hiện tượng những tác phẩm văn học nước ngoài cũng đi theo mạch tình cảm chủ nghĩa này chưa bao giờ vắng công chúng, thậm chí thường xuyên lọt vào danh sách best seller như các tiểu thuyết của Quỳnh Dao, Danielle Steel, Marc Levy, Guillaume Muso, Cecilia Alhern…Nó cho thấy cái “sến” thực ra có khả năng đáp ứng rất lớn nhu cầu giải thoát của con người: cái nhu cầu được ru vỗ, vuốt ve tình cảm, gieo ảo tưởng về cái nên có, cái có thể có, cái đáng có thay vì cái hiện có đầy giới hạn của cuộc đời, cái nhu cầu để cho tư duy nghỉ ngơi, không phức tạp hoá mọi sự. Với những tác phẩm văn học mạng thuộc nhánh này, người ta đã có thể nghĩ đến một dòng văn học thị dân kiểu mới mà phải đến lúc này, dường như chúng ta mới có các tác giả Việt Nam thu hút nhiều sự quan tâm của độc giả. (Trước đó chúng ta chỉ thấy có những tác giả nước ngoài mới được đôc giả chọn lựa.) Nhánh văn học mạng này có nhiều điểm gần gũi với bộ phận được cho là sôi nổi nhất của văn học mạng Trung Quốc được xuất bản ở Việt Nam thời gian qua với các tác giả như Tào Đình, Thái Trí Hằng…Bản thân dòng văn học thị dân trong tiến trình văn học cũng có vai trò rất lớn. Chính từ môi trường văn học thị dân với sự thống ngự của tiểu thuyết kiếm hiệp đã nảy sinh một Don Quijote của Cervantes. Những tiểu thuyết chương hồi nổi tiếng nhất thời Minh Thanh của Trung Quốc cũng thoát thai từ văn học thị dân, từ đời sống thông tục. 

Để gây được sự chú ý, thu hút click view, comment (cái thường được hiểu là sự tương tác), các tác phẩm văn học xuất phát từ blog còn cố gắng lách vào những đề tài có tính chất nhạy cảm, dễ gợi tò mò hoặc hướng đến những đề tài thời sự hoặc phải tìm cách đặt vấn đề có tính chất khiêu khích. Ở điểm này, không thể không ghi nhận những khả thể mà văn học mạng đem lại. Thứ nhất, sự mở rộng đề tài: chính tính chất “phi nghiêm trọng” mà bộ phận văn học mạng này tự ý thức, cũng như chính tính chất “phi chính thống”, tự do (tương đối) của không gian mạng, đã mở cửa cho những cái không được nói, khó nói, cấm đoán, kiêng kỵ, bí mật tràn vào văn học, và đó có thể trở thành tiền đề cho những cách tân sau này. Đề tài đồng tính, một đề tài được văn học mạng khai thác mạnh, xuất hiện ở trong khá nhiều những tác phẩm ăn khách nhất, gây xôn xao nhất như Chuyện tình New York (Hà Kin), Những đốm lửa trên vịnh Tây Tử (Trang Hạ), Dị bản (Keng)…- có lẽ không nên chỉ nhìn nhận như một cách “tìm của lạ” để khơi gợi sự tò mò của công chúng. Văn học mạng không phải là lĩnh vực đầu tiên thể hiện hình tượng người đồng tính nhưng trước đó, để được hiện diện trong nghệ thuật đại chúng không phải như một hiện tượng bệnh hoạn, người đồng tính đa phần chỉ có thể len vào sân khấu hài kịch, trở thành nhân vật gây cười bằng cách phóng đại, cường điệu hóa sự lệch chuẩn của mình. Văn học mạng bằng nỗ lực phân tích những ẩn ức, ham mê, dằn vặt của nhân vật đồng tính muốn hướng đến một cái nhìn giải định kiến về giới tính, từ đó, có thể đặt vấn đề xa hơn về bản chất tưởng tưởng, hư cấu của khái niệm giới, bản chất bị trấn áp của hiện tượng đồng tính. Cố nhiên, đề tài đồng tính trong văn học mạng hiện nay mới chỉ dừng ở bề mặt; nó chưa tạo được sự móc nối giữa ý thức về giới với những khía cạnh sâu xa hơn của văn hóa-chính trị. Nhưng một sự phản tư về giới như một thứ “tự nhiên” đáng ngờ, một thứ “bình thường” bất công là cái mà văn học mạng đã khơi dậy được. Điều khá thú vị là những cây bút tiên phong khai thác hiện tượng đồng tính trong văn học mạng hiện nay phần đông lại là các cây bút nữ vốn cũng phải chịu nhiều kiềm toả, định kiến về giới tính. Thứ hai, vai trò của cá tính trong sáng tác văn học mạng trên blog. Sức thu hút của văn học mạng không hoàn toàn chỉ nhờ vào độ “hot” của hiện tượng. Để lôi cuốn được độc giả, rất cần đến cái duyên của lời văn và đặc biệt sự độc đáo của góc nhìn. Độc giả mạng vốn là những người được quyền có nhiều lựa chọn, bởi vậy, để được độc giả chọn, nhà văn mạng không thể là người sao nhái, là người không thể bị sao nhái được, cả về văn phong lẫn góc nhìn. Suy cho cùng, đó mới là cái tạo nên sức hút thực sự của văn học mạng. Ký ức vụn của Nguyễn Quang Lập là một hiện tượng đáng ghi nhận của mảng văn học xuất xứ từ blog. Nhà văn tâm sự, văn của Ký ức vụn là thứ văn đuợc “hình thành bởi blog”, một “lối văn suồng sã sẽ khó có thể chấp nhận ở sách, báo giấy”. Tập tản văn không chỉ sống động bởi một thứ khẩu văn dân dã, đậm chất mạng (ngay trong bản in sách còn giữ nguyên cả những từ ngữ, icon vốn đặc trưng của ngôn ngữ mạng như he he, hic hic) vừa mang chất thông tục – một thứ ngôn ngữ đậm sắc thái carnival – mà còn lôi cuốn người đọc ở những chuyện đời, chuyện văn mà lắng sâu dưới giọng điệu bông đùa, suồng sã, là những xúc cảm, nghiền ngẫm, khơi gợi nhiều suy tưởng, trăn trở.

Nhánh thứ hai là các tác phẩm đăng trên các website văn học điện tử, trong đó nổi bật nhất là hai diễn đàn: Tiền Vệ Da Màu. Những sáng tác được đăng tải trên các website này lại cho ta một hình dung rất khác về văn học mạng so với nhánh thứ nhất. Ở đây, các tác giả đã tận dụng tính chất tự do, tính chất không bị chi phối bởi sự kiểm duyệt của không gian công chính thống để triển khai những thực hành nghệ thuật của mình trên cả hai phương diện tư tưởng và thi pháp. Sự độc lập của nhánh văn học này với kênh chính thống được đặc biệt nhấn mạnh ở khuynh hướng thẩm mỹ. Các website văn học này trở thành đất cho những thể nghiệm văn học cực đoan nhất, mạnh mẽ nhất trong vài ba năm trở lại đây. Có thể kể đến thơ của Mở Miệng, của Đinh Linh, truyện cực ngắn của Hoàng Long, P.K … Nhánh văn học này không đặt cho mình mục đích là nhằm vào tấm đón nhận của số đông công chúng. Nó thách thức với thị hiếu thời thượng (ở mức độ nào đó, có thể nói, nó gây hấn với chính thị hiếu công chúng mà nhánh thứ nhất của văn học mạng cố gắng đáp ứng.) Nó tự xác định vị trí đứng ở ngoại vi, vị trí của một dòng phụ lưu bên cạnh dòng văn chương đứng ở trung tâm, thuộc về chính lưu, sống vừa vặn trong không gian công chính thống. Cho dù vẫn chưa trở thành đối tượng được thảo luận công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống thì những người làm văn học vẫn không thể phủ nhận một thực tế rằng: trong  năm năm trở lại đây, nhánh văn học này là tâm điểm của những tranh luận chưa thể ngã ngũ, những tranh luận buộc người ta phải tư duy lại khá nhiều điểm cốt yếu về bản chất, chức năng, giá trị của văn học. Một ví dụ: Không một hiện tượng văn học nào gây nhiều tranh cãi, đặt ra nhiều vấn đề về lý thuyết, về cách tiếp cận thơ ca như hiện tượng Mở Miệng, mặc dù những sáng tác của nhóm và những tranh luận về nhóm chủ yếu chỉ diễn ra trên không gian mạng. 

Nhánh văn học này cho phép ta liên hệ với một hình thái tồn tại của văn chương mạng ở phương Tây – các tạp chí văn học điện tử. Ở một đất nước mà hệ thống báo chí, xuất bản cởi mở như nước Mỹ, văn học mạng vẫn tồn tại mặc dù chúng quan sát thấy đã có thời điểm nào, dòng văn học này trở thành cơn sốt như ở Trung Quốc hay Việt Nam. Nó chiềm một vị trí khiêm nhường hơn nhiều, với những tác giả hầu như không được xếp vào dòng chính, không được nhắc tên mấy trên các phương tiện truyền thông lớn. Địa vị của dòng văn học mạng này có lẽ gần với dòng âm nhạc độc lập, dòng phim độc lập trong văn hoá Hoa Kỳ chăng? Nhưng khi xác định mình đứng ở ngoại vi thì văn học mạng ở Mỹ, qua hình thức các tạp chí điện tử, cũng có cách để xác lập bản sắc của nó. Nó ưu tiên cho những thể loại không hấp dẫn lắm đối với giới xuất bản nếu tính đến thành công thương mại như thơ hay truyện cực ngắn (flash fiction), do đó, thông qua hình thức đăng tải trực tuyến, những thể loại này có thể tiệm cận với công chúng nhanh và rộng hơn. Hoặc nó lựa chọn trở thành diễn đàn cho những diễn ngôn thiểu số, như tạp chí điện tử How2 là không gian dành cho những nhà văn nữ theo chủ trương nữ quyền. Hoặc nó đi theo khuynh hướng văn học thể nghiệm, tiền phong – những khuynh hướng sáng tạo cũng rất khó để có được thành công về thương mại – như tạp chí The Café Irreal (với chủ trương đăng tải các sáng tác văn xuôi theo khuynh hướng phi thực – irrealism), Drunken Boat (ưu tiên cho mọi thể nghiệm nghệ thuật có ý hướng avant garde), E- Literature Collection (dành cho những thể nghiệm hypertext – những thể nghiệm văn chương kết hợp với hiệu ứng của công nghệ điện tử.)…Mạng đã trở thành không gian để văn học có thể tự do thực hiện các phép thử – điều mà lâu này người ta vốn nghĩ là đặc quyền của khoa học. 

Nhánh thứ ba – bộ phận văn học folklore được sáng tác và lưu hành qua mạng với các thể loại giễu nhại, cười cợt chiếm ưu thế. Thực ra thì đời sống trước internet vốn đã luôn có sự hiện diện của folklore; nay nhờ mạng, chúng có tốc độ phát tán cực kỳ nhanh chóng, sức phổ cập hết sức rộng lớn. Điểm chung giữa loại hình folklore mạng với folklore truyền thống nằm ở chỗ: chúng đều tồn tại trong một không gian phi chính thống, là tiếng nói của đại chúng, từ bộ phận bên trên của xã hội, tác giả chấp nhận vô danh, không sở hữu bản quyền. Nét đặc trưng về nội dung của folklore mạng thể hiện ở bối cảnh đô thị, đời sống thị dân, môi trường công sở thay cho không gian làng xã trong văn học dân gian truyền thống; phản ứng tức thời trước những sự kiện nóng hổi của đời sống đương đại như bão giá, lụt lội, tệ nạn xã hội… Folklore mạng ở thời điểm này tồn tại như một kênh phát ngôn “ngoài lề” đối trọng với diễn ngôn chính thống. Về mặt hình thức, folklore mạng không chỉ lợi dụng mạng để khuếch trương đời sống của nó; sự tích hợp với công nghệ dẫn đến sự ra đời của các clip, các flash mang tính chất châm biếm, chế giễu được các cư dân mạng post lên các website, blog có thể xem một hình thức/thể loại folklore mới. Bộ phận folklore mạng này không những ít được nhắc đến trong các khảo sát văn học mạng mà một ý thức muốn sưu tầm, tập hợp, nghiên cứu về nó vẫn còn bỏ ngỏ.

Như vậy, nếu nhánh thứ nhất của văn học mạng Việt Nam góp phần định hình nên dòng văn học thị dân kiểu mới thì nhánh thứ hai của nó lại nhằm mục đích thách thức những ý niệm về văn học hiện có, để cho thấy văn học thực ra chỉ là những quy ước, những hiện tượng lịch sử không bất biến còn nhánh thứ ba – bộ phận folklore mạng này là một dạng thời sự mạng, một kênh truyền thông của cư dân mạng, môt không gian carnival nơi cái chính thống bị giải thiêng, nơi phần ngoại vi, phần phi quan phương của đời sống được cất tiếng.. Sự tồn tại của cả ba nhánh văn học  này cho thấy văn học đương đại đang vận động với ý thức dân chủ hoá, phá vỡ sự quan liêu, sự cố thủ của cái trung tâm. Ít nhất, ở thời điểm này, văn học mạng đã góp phần làm đa dạng hoá diện mạo của nền văn học đương đại.  
 
 TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bước đầu khảo sát văn học mạng Việt Nam, Công trình dự thi giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2008.

David Ciccoricco,  Reading Network Fiction, University of Alabama Press 2007

Michel Hockx, “Electronic Literature in the Republic of China”, http://newhorizons.eliterature.org/essay.php?id=13

Michel Hockx, Linking With The Past: Mainland China’s Online Literary Communities and Their Antecedents, Journal of Contemporary China, 13: 38, February 2-2004, 15-127.

Nguyễn Thị Lan Hương, Đặc điểm phát triển của văn học mạng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI, Luận văn thạc sĩ, khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm HN 2008.

 Hongshan Liu, From Print to Cyberspace: New Developments in Chinese Literature in the Age of Internet, M.A thesis, University of Alberta (Canada) 2006.

Âu Dương Hữu Quyền: “Đi tìm bản thể và nhận thức về ý nghĩa của văn học mạng”, Trần Quỳnh Hương dịch, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 10- 2007, trang 34-47

Gobin Yang, “The Internet as a Cultural Form: Technology and the Human Condition in China”, Know Tech Pol (2009), 22: 109-115.

03.2010

Trích đề tài khoa học cấp trường “Văn học mạng Việt Nam – diện mạo ban đầu và những tác động tới đời sống văn học đương đại”, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nghiệm thu tháng 5-2010.


[1] Nhã Thuyên: “Băn khoăn từ một người đọc”. Nguồn: www.talawas.org

[2] Michel Hockx: Electronic Literature in the Republic of China,  http://newhorizons.eliterature.org/essay.php?id=13

[3] Inrasara: “Văn học mạng”. Nguồn: www.tienve.org

[4] Bước đầu khảo sát văn học mạng Việt Nam – Công trình dự thi giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2008, thuộc nhóm ngành XH2a; Nguyễn Thị Lan Hương, Đặc điểm phát triển của văn học mạng Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI, Luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn, Đại học sư phạm Hà Nội 2008.

[5] Trang Hạ: “Nên chấp nhận luật chơi của thời đại số”, http://www.anninhthudo.vn/TIANYON/PrintView.aspx?ArticleID=54312&ChannelID=8

[6] H.N (Reuters): “Tạp chí Times – ‘Bạn’ là nhân vật của năm 2006”, http://vietbao.vn/The-gioi/Tap-chi-Time-Ban-la-Nhan-vat-cua-nam-2006/65077048/159/

[7] Hiện tượng này đã được thảo luận trong hội thảo Thơ Việt Nam đương đại, được tổ chức tại khoa Ngữ văn, trường Đại học khoa học xã hội- nhân văn, Đại học quốc gia TP.HCM, năm 2008

[8] Trang Hạ, tlđd

[9] Michel Hockx, tlđd

[10] Nguyễn Thanh Sơn, “Siêu tiểu thuyết” in trong Phê bình văn học của tôi, NXB Trẻ, TP.HCM 2002, trang 154.

About lythuyetvanhoc

Bộ môn Lý luận văn học, khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm, Hà Nội
Bài này đã được đăng trong nghiên cứu văn hóa, phê bình văn học, trần ngọc hiếu (hải ngọc), văn học Việt Nam và được gắn thẻ , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

2 Responses to Trần Ngọc Hiếu – Nhận diện văn học mạng Việt Nam

  1. que đời nói:

    Em chào thầy giáo!
    Thầy giáo cho em hỏi : có trào lưu văn học nào đi ngược lại tiến trình phát triển của văn học không?xin thầy cho ví dụ ạ!
    Thưa thầy,ở trên giảng đường khi thầy đưa ra 1 vấn đề gì đó thì thầy có thể nói ý kiến của thầy về vấn đề đó đươc không ạ.
    Năm mới,em kính chúc thầy mạnh khỏe,công tác tốt!

  2. que đời nói:

    theo thầy giáo thì văn học mạng có bao giờ được coi là văn học chính thống ?hi vọng trên giảng đường thầy sẽ đề cập đến nó?

Gửi phản hồi cho que đời Hủy trả lời